Thứ Tư, 24/4/2024
Hiệu quả phong trào "Dân vận khéo" ở huyện Cao Phong
 
Thông qua "Dân vận khéo", các hộ dân khu 1, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) tự nguyện
đóng góp 520 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa khu, danh sách niêm yết công khai tại nhà văn hóa.


Từ cổng làng khu 1, thị trấn Cao Phong, theo con đường bê tông sạch đẹp, hoa ngũ sắc trồng dải đều hai bên dẫn thẳng đến trung tâm nhà văn hóa. Đây là nhà văn hóa hình thành dựa hoàn toàn vào sức dân, một trong những công trình tiêu biểu cho công tác dân vận khéo của địa phương. Đồng chí Phạm Thị Xuân, Bí thư chi bộ khu 1 chia sẻ: "Trước đây, khi chưa có nhà văn hóa, Nhân dân trong xóm phải sinh hoạt nhờ tại một công ty đứng chân trên địa bàn gần quốc lộ. Do bất tiện cho việc hoạt động lâu dài, nên tôi đã đề xuất, đưa ra lấy ý kiến Nhân dân về việc đóng góp xây dựng nhà văn hóa của khu, để phục vụ các hoạt động chung của Nhân dân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, ban đầu còn một số hộ dân chưa nhất trí, nhưng sau khi được giải thích, các hộ dân đã đồng thuận chủ trương xây dựng nhà văn hóa”.

Theo đó, công trình được lên kế hoạch vào năm 2018, khánh thành năm 2019, trên diện tích 225 m2. Trong đó, 100% bằng tiền đóng góp của Nhân dân với 520 triệu đồng tiền mặt. Bên cạnh đó, Ban quản lý khu đã viết thư ngỏ đến các tấm lòng hảo tâm, tập thể, cá nhân, con em xa quê ủng hộ được 138 triệu đồng xây dựng sân chơi, mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa. Đến nay, 195 hộ, 650 nhân khẩu của khu 1 đã có nhà văn hóa khang trang làm điểm vui chơi, văn nghệ, thể dục thể thao hàng ngày.

Đây chỉ là một trong nhiều kết quả tích cực từ công tác dân vận khéo mang lại trên địa bàn huyện. Hiện, toàn huyện đã xây dựng được 176 mô hình "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, có 8 mô hình mới được xây dựng từ năm 2019 đến nay. Trong đó, nổi bật với những mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa rộng rãi như lĩnh vực kinh tế với mô hình "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây có giá trị kinh tế cao thay thế cây có giá trị kinh tế thấp vào sản xuất” của xóm Mạc, xã Nam Phong; lĩnh vực văn hóa – xã hội với mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” của xóm Bãi Bệ 2, xã Dũng Phong; lĩnh vực QP-AN với mô hình "Camera giám sát tình hình ANTT và hoạt động giao thông trên địa bàn huyện Cao Phong” của Công an huyện… Các mô hình được xây dựng mang lại hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống Nhân dân, dựa trên sự đánh giá, xét duyệt kỹ lưỡng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện.

Huy động được sức dân chính là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công trong công tác dân vận khéo, đặc biệt trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tính riêng năm 2019, các xã đã huy động được 69 hộ dân hiến hơn 7.000 m2 đất, trị giá gần 650 triệu đồng; hơn 1.000 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn. Thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính, huyện đã tổ chức lấy ý kiến cử tri của 28 xóm thuộc 5 xã diện sắp xếp là: Đông Phong, Tân Phong, Xuân Phong, Yên Lập, Yên Thượng. Kết quả, 99,1% cử tri các xóm, 90% đại biểu HĐND của 5 xã và huyện biểu quyết đồng ý. Đến nay, huyện đã nhập, điều chỉnh 66 xóm, đặt tên đối với 33 xóm thuộc 13 xã, thị trấn; nhập 6 khu dân cư, đặt tên đối với 3 khu dân cư, đổi tên 1 khu dân cư. Hiện còn 88 xóm, khu dân cư, giảm 36 xóm, khu dân cư. Các xóm, khu dân cư đã đi vào hoạt động ổn định với tên gọi và bộ máy mới.

Đồng chí Nguyễn Công Minh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cao Phong cho biết: "Thời gian tới, huyện tiếp tục gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05 trong công tác dân vận, đặc biệt là phát huy vai trò tổ dân vận cơ sở là nơi tuyến đầu thực hiện tuyên truyền, vận động Nhân dân. Trong đó, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tập trung thực hiện dân vận trên các vấn đề, lĩnh vực cấp thiết, được người dân quan tâm. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở”.

(baohoabinh.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất