Thứ Sáu, 19/4/2024
Bí thư chi bộ giữ 3 “chìa khóa vàng”

 


Tôi có bán đất đâu mà hỏi giá bao nhiêu?! Làm con đường, chúng tôi có lợi ích gì? Tại sao phải hiến đất, hiến cây trồng, vật kiến trúc để làm đường? Xưa nay không có đường, chúng tôi vẫn đi được... Đó là một số trong vô vàn câu hỏi của người dân đặt ra để bảo vệ tài sản của mình trước mỗi công trình thi công ngang qua thửa đất của gia đình mình. Họ cố thủ bảo vệ từng tấc đất không chỉ vì giá trị tài sản mà vì vô vàn lý do khác. Họ nghĩ, mình hiến đất liệu có lợi ích gì, rồi người khác cũng được lợi từ sự mất mát của mình trong khi họ vẫn còn nguyên vẹn tài sản...

Không ngại khó, không ngại khổ, không ngại đối mặt với nhiều sắc thái cảm xúc của người dân khi đi vận động giải phóng mặt bằng, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước Nguyễn Thanh Tùng (ảnh, SN1980) đã vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đâu là “chìa khóa” giúp Bí thư chi bộ Nguyễn Thanh Tùng làm dân vận tốt, cùng đơn vị góp phần tích cực vào thay đổi diện mạo, hạ tầng, thương mại của huyện?

“CHÌA KHÓA MỞ LÒNG DÂN”

Để “mở” được lòng dân thì phải dân vận khéo. Tuy nhiên, để dân vận thành công không chỉ phải khéo, quyết liệt mà còn phải hội tụ nhiều yếu tố. “Trước khi đến với dân phải nắm vững chuyên môn, chính sách, chủ trương, quyết định của Nhà nước, tỉnh, huyện. Phải làm sao để dân hiểu họ được lợi gì? Người dân sinh sống trên địa bàn có lợi ích gì? Phải lắng nghe dân, hiểu dân, giúp tháo gỡ khó khăn họ đang vướng mắc với chính quyền bằng các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, thông tin có được. Khi vướng mắc được tháo gỡ, dân tin vào mình, vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo. Mà khi dân đã tin thì không có gì là không thể giải quyết” - anh Tùng chia sẻ “chìa khóa mở lòng dân”.

Luôn vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy từ thực tế có được, Bí thư chi bộ Nguyễn Thanh Tùng xác định với dân là phải kiên nhẫn, còn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phải quyết tâm, quyết liệt. Vận dụng người dân vận động người dân mới thành công. Đối với công tác quy hoạch làm các tuyến đường ở huyện Đồng Phú, anh Tùng đã làm cho người dân hiểu về giá trị kinh tế của thửa đất khi có con đường đi qua, sự phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa đời sống của người dân được nâng lên... Khi người dân hiểu, tự nguyện hiến đất thì họ sẽ có ý thức bảo vệ con đường đó, không còn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường. Điều kiện kinh tế thuận lợi thì đời sống ai cũng phát triển, người dân đoàn kết hơn. Họp dân chỉ là hình thức thông báo về chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện và thông tin dự án cho người dân nắm. Để người dân ủng hộ thì phải đến nhà dân, có khi đến 7 lần đối với các trường hợp khó khăn. Nhưng từ công tác dân vận đó, sau khi giải phóng mặt bằng, những hộ khó khăn trong công tác vận động, lại trở thành người thân quen, tin tưởng. Vì họ được hỗ trợ bản vẽ thiết kế xây dựng nhà, giải quyết thủ tục hành chính rõ ràng trước khi chuyển đến khu tái định cư.

“NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM, NÓI ĐÂU LÀM ĐẾN ĐÓ”

Với phương châm “Làm hết việc chứ không hết giờ”, nhưng để người lao động cống hiến vì công việc phải tạo cho họ môi trường làm việc thoải mái, tin tưởng đoàn kết. Đó chính là chìa khóa vàng thứ hai, “chìa khóa mở lòng người lao động” của Bí thư chi bộ Nguyễn Thanh Tùng.

Từ năm 2018 đến tháng 3-2020, Bí thư chi bộ Nguyễn Thanh Tùng đã phối hợp vận động thành công người dân ở hai bên đường Phú Riềng Đỏ nối dài, thị trấn Tân Phú, hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công với chiều rộng khoảng 30m, chiều dài khoảng 2km; chủ trì, phối hợp với UBND thị trấn Tân Phú và 2 xã Tân Phước, Tân Lợi vận động nhân dân hiến cây, hiến đất thực hiện 8 tuyến đường với tổng chiều dài 22,681km, giá trị quy đổi trên 30 tỷ đồng.

Anh Tùng cho biết: Sinh hoạt chi bộ phải giữ được tình đoàn kết nội bộ, thương yêu nhau, không ganh đua chà đạp lẫn nhau. Để làm được điều này, trong phân công công việc phải đúng sở trường, bằng cấp chuyên môn, xây dựng không gian làm việc như một gia đình thứ hai. Xây dựng cách làm việc theo kiểu tin tưởng, chia sẻ. Bí thư phải người nêu gương, đi tiên phong trong những công việc khó, đi sớm về muộn. Đảng viên có chức vụ phải làm nhiều hơn, năng động hơn. Lên kế hoạch, dự án thực hiện theo kiểu mở đường, rồi giao việc cho người có đủ khả năng thực hiện, động viên, theo dõi cấp dưới thực hiện.

Anh Tùng cho rằng, cái khó mình phải nêu gương làm trước, gương mẫu đi đầu. Từ đó, mình sẽ trưởng thành hơn, mình học hỏi nhiều hơn, hoàn thiện bản thân hơn. Từ những quan điểm làm việc đến cuộc sống đời thường, Bí thư chi bộ Nguyễn Thanh Tùng đã khiến cán bộ, người lao động trong đơn vị có động lực làm việc, tư duy tích cực phát huy hiệu quả trong công việc. Đó là chìa khóa thứ hai, giúp bí thư trẻ thành công trong nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị.

Bí thư Huyện ủy Đồng Phú Trần Văn Vinh đánh giá: “Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng là cán bộ có năng lực, đạo đức tốt, nhiệt huyết, trách nhiệm, quyết tâm cao trong công việc. Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài luôn đi đầu, gương mẫu thực hiện các phong trào, đồng chí còn tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác vận động nhân dân hiến đất, xây dựng đường giao thông. Đồng chí luôn thực hiện nói đi đôi với làm, nói đâu làm đến đó”.

Nói đi đôi với làm, nói đâu làm đến đó chính là “chìa khóa vàng” thứ ba của Bí thư chi bộ Nguyễn Thanh Tùng. 3 chìa khóa vàng ấy đã giúp anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

(baobinhphuoc.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất