Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có sức lan tỏa mạnh mẽ, đạt hiệu quả thiết thực. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên các lĩnh vực đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
|
Một buổi phối hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách cho người dân thôn Pằng Dề B, xã Xá Nhè |
Nhiều cách làm hay, hiệu quả
Trước đây, việc nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, cạnh nhà ở là thói quen của người dân vùng cao. Tình trạng đó gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của con người. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ dân cư chưa nhận thức đúng về việc di dời chuồng trại xa nhà ở là yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nên chưa tích cực hưởng ứng và thực hiện.
Ðể góp phần giảm ô nhiễm môi trường sống và nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho cộng đồng, hoàn thành tiêu chí về môi trường, mô hình “Di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn” ở thôn Phay Tông, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Triển khai từ năm 2018, qua vận động, tuyên truyền người dân về lợi ích của việc di dời gia súc, làm chuồng trại cách xa nhà ở, không thả rông gia súc, đến nay thôn Phay Tông có 85/93 hộ đã di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn. Chuồng trâu, bò hầu hết được người dân xây bằng gạch hoặc dựng cột gỗ, nền xi măng, mái lợp prô xi măng, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và cách xa nhà ở. Bên cạnh đó, định kỳ ngày 18 hàng tháng, tất cả các hộ trong thôn tham gia vệ sinh đường thôn, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ xung quanh nhà ở.
Bà Lò Thị Oi, người dân thôn Phay Tông cho biết: “Ngày trước, gia đình tôi nuôi gia súc dưới gầm sàn. Sau khi được cán bộ xã đến nhà tuyên truyền về những lợi ích của việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn, gia đình tôi đã dành một phần diện tích xây dựng chuồng nuôi bằng cột gỗ, nền xi măng. Nhờ nuôi nhốt riêng nên việc chăm sóc, phòng chống rét, dịch bệnh thuận lợi, trâu bò phát triển tốt hơn; nhà ở cũng sạch sẽ hơn.”
Đồng chí Hạng A Chang, Chủ tịch UBND xã Mường Báng cho biết: Ðến nay, toàn xã đã có khoảng 50% số hộ di dời chuồng trại gia súc khỏi gầm sàn. Con số tuy chưa lớn nhưng thể hiện sự chuyển biến về nhận thức của người dân. Việc làm này không chỉ góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nông thôn, mà công tác phòng chống dịch bệnh tốt hơn, tạo điều kiện cho bà con phát triển đàn vật nuôi. Công tác vận động, thuyết phục các hộ gia đình di dời gia súc ra khỏi gầm sàn đã thực sự mang lại hiệu quả và đang tiếp tục được nhân rộng. Vấn đề cần giải quyết hiện nay là xã, bản phối hợp với người dân tạo được quỹ đất để xây dựng chuồng trại hợp lý, đảm bảo.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tủa Chùa là đơn vị điển hình với nhiều phong trào “dân vận khéo” hiệu quả. Đồng chí Vi Thu Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cho biết: Nhiều năm qua, nhờ dân vận khéo, các cấp Hội trong toàn huyện đã xây dựng được nhiều mô hình hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; “Ðảm bảo an toàn, phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em”; “Ðảm bảo an ninh trật tự địa phương”... Kim chỉ nam trong công tác dân vận khéo của Hội là việc nêu gương. Cán bộ nêu gương để hội viên, phụ nữ làm theo. Ðơn cử một việc nhỏ như gieo hạt giống cây ăn quả tại những vị trí đất trống đồi trọc, bên cạnh tuyên truyền, vận động hội viên thì mỗi cán bộ Hội gương mẫu bảo quản hạt giống cây ăn quả sau khi sử dụng, tích góp lại để mang đi gieo trồng. Bản thân tôi cũng chủ động tích góp được hàng trăm hạt giống cây ăn quả các loại, mỗi lần đi cơ sở tôi đều mang theo hạt giống cùng hội viên, chị em phụ nữ gieo ươm. Mong muốn của Hội là mỗi hội viên, phụ nữ góp ít nhất một cây trong hành trình phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Mô hình hoạt động cần thực chất
Đồng chí Thào A Sình, Trưởng Ban Dân vận huyện Tủa Chùa cho biết: Những năm qua, nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Nguyên nhân đạt được là do các phòng trào thi đua “Dân vận khéo” đều xuất phát từ thực tế, gắn với từng nhiệm vụ cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, phù hợp với thực tế địa phương. Phương thức vận động, tuyên truyền công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến nhân dân, giúp nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong các chương trình, phong trào. Triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang đã gắn phong trào với hoạt động thi đua của đơn vị như: “Xứng danh Bộ đội cụ Hồ”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; “Tuổi trẻ giữ nước”; các phong trào xây dựng đời sống văn hóa công sở; “Phòng, chống HIV/AIDS”; “Không sinh con thứ ba”; “Mô hình 5 không, 3 sạch”; “Vận động nhân dân thực hiện phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao”...
Hiệu quả công tác dân vận khéo thời gian quan trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; kịp thời tiếp thu, giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Từ đó góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.
(baodienbienphu.info.vn)