Sau 10 năm triển khai, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã trở thành hoạt động thi đua sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tới từng hội viên phụ nữ tỉnh Điện Biên... Ðặc biệt, từ phong trào đã huy động, tập hợp hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội; xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo của chị em trong lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.
|
Cán bộ Hội LHPN tỉnh vận động phụ nữ xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên) thực hiện
các phong trào thi đua “Dân vận khéo”. |
Phát huy truyền thống và phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”, thời gian qua các cấp LHPN luôn quan tâm, đẩy mạnh việc thực hiện công tác dân vận trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bà Mào Thị Bạn, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Xác định công tác dân vận không chỉ phù hợp đặc trưng của giới và chức năng, nhiệm vụ các cấp hội phụ nữ mà còn là yếu tố tiên quyết góp phần củng cố, xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua ái quốc, chú trọng xây dựng, phát hiện điển hình tiên tiến...”. Vì thế, thời gian qua, các cấp Hội LHPN hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, lan tỏa ý nghĩa sâu rộng của công tác dân vận tới cán bộ, hội viên phụ nữ. Ðặc biệt, Hội đã chỉ đạo các cơ sở hội lựa chọn đăng ký thực hiện các mô hình thiết thực, cụ thể phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, cuộc sống của hội viên như: Thi đua “Dận vận khéo” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc“; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Mỗi hộ gia đình nông thôn có một vườn rau sạch, nuôi từ 10 con gia cầm trở lên”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... Hội LHPN các cấp đã xây dựng và duy trì 987 mô hình “Dân vận khéo” (188 mô hình tập thể, 799 mô hình cá nhân).
Ðiển hình như trên lĩnh vực phát triển kinh tế, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ, các cấp hội LHPN đã vận động chị em tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; tập trung thực hiện chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh với nhiều hoạt động cụ thể, phù hợp với cuộc sống nhân dân (vận động hội viên, phụ nữ tham gia sản xuất trên cánh đồng lớn; trồng cây công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị cao...). Tích cực tham gia phát triển kinh tế vùng (trồng và chế biến chè tại Tủa Chùa; cà phê tại huyện Mường Ảng; trồng cao su tại huyện Mường Chà, Mường Nhé, Ðiện Biên...). Ðặc biệt, phong trào “Dân vận khéo” gắn với thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững) đã góp phần mang lại những động lực mới, phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế của phụ nữ nói riêng, nhân dân các dân tộc Ðiện Biên nói chung. Tới nay, các cấp hội LHPN xây dựng 842 mô hình phát triển kinh tế (141 tập thể, 701 cá nhân); từ đó xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tiên tiến là hội viên, phụ nữ với nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo, hiệu quả.
Là huyện biên giới, những năm qua thực hiện phong trào “Dân vận khéo” Hội LHPN các cấp huyện Mường Nhé góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân ở các bản vùng sâu, vùng xa. Đồng chí Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé chia sẻ: Phong trào “Dân vận khéo” đã tạo tiền đề, cú hích mạnh mẽ để phụ nữ Mường Nhé hình thành các mô hình khởi nghiệp, phương thức sản xuất mới... Hội đã lựa chọn các mô hình dân vận khéo gắn với từng việc làm cụ thể, đem lại cuộc sống đủ đầy cho chị em như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... Tới nay, Hội LHPN huyện Mường Nhé quản lý nguồn vốn với tổng dư nợ hơn 51,8 tỷ đồng, 1.506 thành viên vay vốn. Từ các nguồn vốn hỗ trợ đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại, gia trại do phụ nữ làm chủ, gương điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi: Mô hình “Trại gà HD” chị Ðào Thị Hiểng (xã Mường Toong); mô hình “Kinh doanh tạp hóa” chị Sùng Thị Nếnh (xã Mường Nhé)... Ðặc biệt, Hội LHPN 4 xã đã thành lập được mô hình “Hũ gạo tình thương”; hỗ trợ 374 ngày công lao động giúp gia đình hội viên, phụ nữ nghèo cấy lúa, làm nhà ở.
Việc xây dựng những mô hình “Dân vận khéo” của Hội LHPN các cấp đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của phụ nữ. Ðặc biệt đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư tích cực tham gia hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
(baodienbienphu.info.vn)