Thứ Hai, 25/11/2024
Hiệu quả từ mô hình “Gắn kết hộ” ở Binh đoàn 15
 
Anh Trần Văn Hải (bên trái) hướng dẫn anh Rơ Lan Binh kỹ thuật chăm sóc vườn điều. 

 

Công ty TNHH MTV 74 (Binh đoàn 15) đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai (Gia Lai). Anh Trần Văn Hải, công nhân khai thác mủ cao-su (Đội sản xuất số 15) là một trong những người đầu tiên hưởng ứng phong trào “Gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ DTTS địa phương”. Anh Hải đứng ra nhận giúp đỡ hộ gia đình anh Rơ Lan Binh ở làng Bía, xã Ia Chía. Trước đây nhà anh Rơ Lan Binh là hộ nghèo do không biết cách làm kinh tế. Đất canh tác có nhưng đều bỏ hoang hóa, chỉ trồng một ít lúa, ngô cho nên dù vợ chồng anh làm lụng vất vả quanh năm vẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Từ khi được sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của anh Hải, đời sống của gia đình anh Rơ Lan Binh đã thay đổi đáng kể. Đến nay, vợ chồng anh Binh đã có hơn 10 ha điều, 4 ha cao-su và 1,5 ha cà-phê. Gia đình không những đủ ăn mà còn dôi dư tích lũy. Với anh Trần Văn Hải, việc giúp đỡ dân làng là trách nhiệm, bổn phận. Anh Hải chia sẻ: “Gia đình tôi từ Hải Dương vào Gia Lai lập nghiệp làm công nhân khai thác mủ cao-su gần 20 năm trước. Lúc mới vào, cuộc sống vẫn còn nghèo khổ lắm. Chính nhờ sự che chở, đùm bọc của dân làng, gia đình tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Do vậy, việc giúp đỡ dân làng cũng là cái nghĩa, cái tình mình đáp lại cho bà con”.  Ngoài thời gian làm việc tại đơn vị, gia đình anh Hải đầu tư trồng 1 ha cao-su, 1 ha cà-phê xen điều, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được 96 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 74 Thượng tá Khuất Bá Cao cho biết: Mô hình “gắn kết hộ” đang từng bước đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, công ty đã có 17 đội sản xuất kết nghĩa với 21 thôn làng và 729 cặp hộ gắn kết. Đây là đơn vị có số cặp hộ kết nghĩa nhiều nhất so với các công ty khác trong toàn Binh đoàn. Qua hoạt động “gắn kết hộ”, các hộ gia đình công nhân người Kinh và hộ công nhân người DTTS đã tạo được sự gần gũi, thân thiện, hiểu biết lẫn nhau và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Cũng từ mô hình “gắn kết hộ”, các hộ công nhân người Kinh đã tham gia tuyên truyền, vận động bà con DTTS xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và đơn vị. Già làng Siu Tới, xã Ia Chía, huyện Ia Grai phấn khởi: “Cuộc sống thay đổi nhiều rồi. Từ khi có Công ty 74, bà con được nhận khoán chăm sóc vườn cây, thanh niên thì được tuyển dụng làm công nhân, rồi thì còn hỗ trợ các gia đình khó khăn làm nhà rông, xây trường học, trường mẫu giáo cho con em đi học... ”. 

Binh đoàn 15 là đơn vị được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ phát triển kinh tế, gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng dân cư xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và làm nhiệm vụ quốc tế tại hai nước bạn Cam-pu-chia và Lào. Hiện nay, các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên địa bàn 271 thôn làng của 37 xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định và một số dự án thuộc tỉnh Át-ta-pư (Lào), Rát-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia). Đến nay, sau 35 năm xây dựng, phát triển, Binh đoàn đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các khu dân cư thành điểm sáng về kinh tế - văn hóa, góp phần nâng cao đời sống, tạo niềm tin cho đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội. Mô hình “Gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào DTTS địa phương” do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 phát động từ năm 2006. Ban đầu, Binh đoàn chỉ đạo làm điểm ở Công ty 74 với 30 cặp hộ công nhân là người Kinh và hộ đồng bào DTTS đăng ký, đến nay đã có gần 4.000 cặp hộ gắn kết với nhau. Thông qua công tác kết nghĩa, gắn kết hộ, hộ người Kinh giúp đỡ hộ đồng bào DTTS áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cao-su, cà-phê, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Động viên hộ đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất cũng như xây dựng cuộc sống, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng. Với tính ưu việt và những kết quả đạt được trong đời sống, sản xuất, phong trào đã có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Và không  dừng lại ở đối tượng là gia đình công nhân, phong trào đã thu hút gần 2.000 hộ đồng bào DTTS trong các bản làng không thuộc người lao động của Binh đoàn đăng ký gắn kết.

Tư lệnh Binh đoàn 15, Đại tá Hoàng Văn Sỹ khẳng định, mô hình “Gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào DTTS địa phương” là cách làm sáng tạo, mang tính nhân văn sâu sắc, làm phong phú thêm hình thức, chất lượng và hiệu quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”; là bước phát triển mới, cụ thể hóa chủ trương gắn kết của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi các đơn vị của Binh đoàn đứng chân gắn với phương châm: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất