Thứ Hai, 25/11/2024
Sức lan tỏa từ những mô hình “dân vận khéo” của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc
 
Công trình “Đoàn kết quân dân” của Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc tặng phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột. 


Tập trung cho những địa bàn trọng điểm

Trong những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) của Đắc Lắc phát triển khá, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống nhân dân có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề “dân tộc, tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền” kích động tranh chấp, khiếu kiện, xuyên tạc, chống phá, tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng.

Trước thực trạng ấy, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc đã xây dựng một số chương trình, kế hoạch triển khai công tác dân vận (CTDV), như: Kế hoạch số 1308/KH-BCH ngày 5-5-2016 về thực hiện Phong trào thi đua “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”; Kế hoạch số 709/KH-BCH ngày 14-3-2017 về “Giao địa bàn CTDV ở các xã khó khăn cho các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh giai đoạn 2016-2021”; Kế hoạch số 1479/KH-BCH ngày 17-5-2017 về “Phối hợp làm CTDV giữa các đơn vị quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 đóng quân trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc năm 2017 và những năm tiếp theo”...

Cụ thể hóa nghị quyết, kế hoạch về CTDV, các cơ quan, đơn vị quân đội trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhất là ban dân vận các cấp xác định nội dung, phần việc tiến hành CTDV trong từng năm và cả giai đoạn, với mục tiêu: Bằng những việc làm cụ thể, xây dựng địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, những thôn, buôn, xã diện đặc biệt khó khăn trở thành những địa phương có KT-XH phát triển, an ninh chính trị ổn định. Theo đó, các đơn vị quân đội được giao địa bàn tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới...

Theo Thượng tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc: Kết quả nổi bật trong CTDV những năm qua của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đó là cùng cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, giữ vững sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng. Riêng LLVT tỉnh, từ 2016-2020, đã tổ chức cho 2.200 lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân dã ngoại làm CTDV. Bộ đội phối hợp với nhân dân làm mới, tu sửa 57km đường giao thông, 55km kênh thủy lợi; đào 8 giếng nước; xây dựng 1 công trình nước sinh hoạt; xây tặng 15 nhà tình nghĩa, 5 nhà đồng đội; hỗ trợ nhân dân hơn 2.500 công lao động, 64 con bò giống; huy động 115 đợt, với hơn 11.000 lượt cán bộ, chiến sĩ LLVT tham gia giúp dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai...

Nhân rộng những mô hình điểm

Một trong những mô hình dân vận đạt hiệu quả hiện được tỉnh Đắc Lắc chọn nhân rộng là Mô hình “Bộ đội chung sức làm việc nghĩa” do Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn triển khai. Theo đồng chí Mai Thị Lan Anh, Phó trưởng ban Dân dân vận Tỉnh ủy Đắc Lắc: Mô hình “Bộ đội chung sức làm việc nghĩa” của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh không chỉ huy động được nguồn lực từ các đơn vị để thực hiện các công trình, phần việc có giá trị, mang lại hiệu quả thiết thực mà qua đó còn tạo ra sự gần gũi, sẻ chia giữa đơn vị quân đội với cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó có ban dân vận các cấp. Được biết, từ năm 2017 đến nay, thông qua Mô hình “Bộ đội chung sức làm việc nghĩa”, các đơn vị đã huy động xây dựng được 6 công trình, gồm 2 nhà đoàn kết quân dân, 1 phòng học, 2 khán đài sân vận động và 1 công trình đường nông thôn mới.

Có mặt tại lễ khánh thành bàn giao công trình đường nông thôn mới do Công ty TNHH MTV Cà phê 15 xây dựng, bàn giao cho thôn Đắc Hà Đông, xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M'gar, chúng tôi thấy bà con đến rất đông. Ai cũng vui mừng, bởi đây là công trình điểm về đoàn kết quân dân. Công trình có chiều dài hơn 1km, trị giá hơn 3,047 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ dự án Khu Kinh tế-Quốc phòng Cư M'gar gần 3 tỷ đồng, số còn lại là nguồn kinh phí do các đơn vị quân đội trên địa bàn đóng góp. Phát biểu tại buổi lễ bàn giao công trình, đồng chí Y Wem H'Wing, Phó chủ tịch UBND huyện Cư M'gar khẳng định: "Trong những năm qua, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đã chung tay, góp sức cùng địa phương xây dựng nhiều công trình "đoàn kết quân dân"; hỗ trợ các xã trên địa bàn thực hiện hiệu quả phong trào "xây dựng nông thôn mới".

Trong quá trình triển khai thực hiện CTDV, xuất hiện một số mô hình tiêu biểu, như: Mô hình làm công trình nước sinh hoạt của Cụm dân vận số 2 và số 3 do Ban CHQS huyện Lắc và Krông Bông chủ trì. Nhờ mô hình này mà 18 hộ dân, với 76 nhân khẩu đồng bào M’nông ở buôn Bluk, xã Nam Ka, huyện Lắc thoát khỏi cảnh thiếu nước sinh hoạt trong 6 tháng mùa khô. Mô hình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ giống vật nuôi (bò, dê, heo) cho hội viên phụ nữ nghèo của Ban CHQS huyện Cư M'gar đã giúp 7 hộ nghèo ở huyện Cư M’gar vươn lên phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Mô hình này hiện đang được nhân rộng, nhằm thực hiện mục tiêu giúp hộ nghèo giảm nghèo bền vững trên địa bàn đóng quân của ban CHQS các huyện: Krông Pách, Ea Kar, Krông Năng, M’Đrăk, Ea Súp, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ, TP Buôn Ma Thuột và Trung đoàn 584.

Từ chương trình, mô hình dân vận của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn Đắc Lắc đã góp phần tạo sự chuyển biến toàn diện cho các thôn, buôn đặc biệt khó khăn và xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh; củng cố "thế trận lòng dân" vững chắc trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

(qdnd.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất