Thứ Năm, 26/12/2024
Ba Bể nâng cao hiệu quả phong trào dân vận khéo
 
Nhân dân thôn Pác Nghè, xã Địa Linh tổng vệ sinh môi trường.

 

Xác định đây là việc làm thường xuyên, huyện Ba Bể đã quán triệt nội dung và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch của tỉnh về nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”. Năm 2019 huyện xây dựng mô hình điểm tại các xã Quảng Khê và Nam Mẫu. Công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Đề án và các mô hình, điển hình được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, đồng thuận và tham gia thực hiện. Bên cạnh tổ chức ký cam kết, huyện Ba Bể thành lập các đoàn kiểm tra tại các đơn vị, địa phương để theo dõi, nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào "Dân vận khéo". Tiến hành sơ kết đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương và báo cáo BCĐ huyện; tổ chức cho các tập thể, cá nhân tham gia các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh bạn.

BCĐ thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở và phong trào "Dân vận khéo" của huyện đã tổ chức đánh giá, bình xét các mô hình điển hình. Theo đó năm 2018, huyện Ba Bể có 33 mô hình, 14 điển hình "Dân vận khéo"; năm 2019 có 55 mô hình, 08 điển hình; năm 2020 có 144 mô hình trong đó có 55 mô hình đăng ký mới.

Đồng chí Dương Xuân Tựu- Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Ba Bể cho biết: Đến nay phong trào "Dân vận khéo" đã trở thành phong trào lớn, có chiều sâu và nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, các chi, đảng bộ trong toàn huyện; coi đây là nhiệm vụ then chốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nhất là trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.

Thời gian qua, công tác dân vận của huyện Ba Bể đã có sự đổi mới theo hướng sát dân, sát cơ sở. Hoạt động dân vận của Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới về nội dung, phương thức, nâng lên về chất lượng. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận các cấp và lực lượng nòng cốt ở cơ sở tiếp tục được củng cố và kiện toàn. Các vấn đề bức xúc trong Nhân dân được quan tâm chỉ đạo, giải quyết. Quy chế dân chủ cơ sở được phát huy thông qua thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ được đẩy mạnh. Qua đó phát hiện, biểu dương nhân rộng nhiều mô hình, điển hình mới, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Từ phong trào “Dân vận khéo”, tại huyện Ba Bể đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình ở tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội, đặc biệt trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, như: Thông qua Dự án 3PAD được triển khai tại thôn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bí xanh thơm, chị Vi Thị Lọc, hội viên phụ nữ thôn Nà Lìn, xã Địa Linh mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây bí xanh thơm và cây màu khác. Gia đình chị trồng được 0,4ha cây bí xanh thơm, thu được 20 tấn quả trị giá 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình chị đầu tư mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả có giá trị, thu về khoảng 40 triệu đồng/năm; đầu tư chăn nuôi dê sinh sản thu được 50 triệu đồng/năm. Hướng đi này đã giúp gia đình chị vượt qua giai đoạn khó khăn, có điều kiện mở rộng sản xuất. Từ đây chị tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân và chị em phụ nữ trong thôn chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa sang trồng cây bí xanh thơm. Đến nay trong thôn đã có trên 70 hộ trồng cây bí xanh thơm, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập ổn định. Đến nay thôn đã thành lập được HTX trồng và cung cấp bí xanh cho thị trường.

Một trong những mô hình "Dân vận khéo" nổi bật của huyện Ba Bể thời gian qua là Chi bộ thôn Nà Săm, xã Thượng Giáo. Phát huy vai trò lãnh đạo, tuyên truyền vận động Nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều hộ dân trong thôn đóng góp ngày công lao động và hiến hàng nghìn mét đất để làm đường, giúp cho việc đi lại thuận lợi và tạo thành phong trào mạnh mẽ ở địa phương. Trong quá trình làm đường của thôn, Chi bộ và các hội đoàn thể đã xung phong gương mẫu đi đầu phong trào; chủ động đi tuyên truyền, vận động bà con hưởng ứng tham gia. Theo đó, đã có 29 hộ hiến hơn 5.481m2 đất. Tiêu biểu như hộ ông Triệu Văn Nhúc, hiến 1.100m2 đất đồi rừng; hộ ông Bàn Văn Vinh hiến 217m2 đất ruộng… Bên cạnh đó còn nhiều mô hình, điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” của huyện Ba Bể trong thời gian qua như: Ông Lý A Thán, thôn Khâu Qua, xã Nam Mẫu; anh Hoàng Văn Lê, thôn Nà Sliên, xã Cao Thượng; hay như mô hình tập thể của Chi hội phụ nữ thôn Thiêng Điểm, xã Phúc Lộc…

Có thể nói, đến nay hệ thống dân vận các cấp của huyện Ba Bể đang tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Công tác dân vận đã tạo sự chuyển biến đồng bộ, sâu rộng trong các cấp chính quyền, cơ quan Nhà nước; góp phần giúp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể, tăng cường củng cố tổ chức và hiệu quả hoạt động ở cơ sở, tiếp tục nâng cao chất lượng, phong trào thi đua “Dân vận khéo”./.

(baobackan.org.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi