Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Qua đó, đã tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng cờ lưu niệm cho những đơn vị tham gia hội thi “Dân vận khéo”
trong các cơ quan nhà nước. |
Giai đoạn 2016-2020, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai đồng bộ trong các tổ chức của hệ thống chính trị, với nội dung cụ thể, quy trình thống nhất, chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể đã kịp thời ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào; tổ chức phát động, đăng ký xây dựng các mô hình, điển hình; phân công cán bộ phụ trách, theo dõi, tập trung chỉ đạo điểm, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đã lấy kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” để làm một trong những tiêu chí quan trọng nhằm đánh giá công tác dân vận của từng địa phương, đơn vị; đồng thời, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện khá nền nếp việc xét, công nhận các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” theo 3 cấp: tỉnh, huyện, cơ sở.
Nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm hay, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với hình thức phong phú, đa dạng, tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua, như: xác định chủ đề công tác năm, tổ chức hội thi, hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm về “dân vận khéo”...
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần gắn kết, thúc đẩy và tăng hiệu quả phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, đơn vị. Qua đó, đã tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh; góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời, nâng cao được nhận thức, trách nhiệm và phong cách dân vận của cán bộ, đảng viên, công chức theo phương châm sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân. Đặc biệt, thông qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn tỉnh đã xây dựng được 5.690 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, biểu dương, khen thưởng 663 mô hình, điển hình tiêu biểu, tạo được sức lan tỏa và hiệu quả tích cực trên các mặt của đời sống xã hội.
Tiêu biểu, trên lĩnh vực phát triển kinh tế có mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động được nhân rộng ra nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, có mô hình “Tiếng kẻng khuyến học”, “Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học” của Hội Khuyến học các cấp; mô hình “Xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố” của Ủy ban MTTQVN xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh)…
Trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng có mô hình “Trường học an toàn về an ninh trật tự” của Công an tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo. Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, nổi bật là mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”, “Cán bộ, công chức thân thiện, vì nhân dân phục vụ” ở các xã, phường, thị trấn, phòng chuyên môn của các huyện: Tuyên Hóa, Lệ Thủy và TP. Đồng Hới, thị xã Ba Đồn...
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả hơn nữa phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Theo đó, tiếp tục tăng cường việc quán triệt các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua “Dân vận khéo” và công tác dân vận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay.
Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, hướng trọng tâm phong trào vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị...
Chú trọng việc tuyên truyền, củng cố, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” bảo đảm tính bền vững, sức lan tỏa của phong trào thi đua ở các địa phương, đơn vị. Các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện công tác dân vận để tiếp tục đổi mới, tăng cường chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” bằng các nội dung, giải pháp cụ thể, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, của mỗi cán bộ, công chức.
Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân, gắn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
Với tinh thần quyết tâm, đoàn kết, đổi mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của công tác dân vận trong tình hình mới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng đi vào chiều sâu, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn tỉnh.
(baoquangbinh.vn)