Nhiệm kỳ 2015 - 2020, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh Thái Bình triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, ngay từ nhỏ, ông Đoàn Minh Điện, hội viên Hội Nông dân thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) đã quen với công việc đồng áng. Vì vậy, khi phần lớn người dân địa phương đi làm tại các công ty, xí nghiệp thì ông Điện vẫn kiên định gắn bó với ruộng đồng. Ông cho rằng: Sản xuất nông nghiệp tuy ngày công, lãi suất không cao bằng các ngành nghề khác nhưng nếu sản xuất với quy mô lớn, đầu tư máy móc đồng bộ sẽ cho thu nhập ổn định và bền vững. Xuất phát từ quan điểm đó, ông đã mạnh dạn nhận cấy hơn 16 mẫu ruộng của các hộ khác vốn là ruộng đất chua, trũng bị bỏ hoang, sau đó chủ động tìm tòi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào, giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập trên mỗi đơn vị canh tác. Gặp thất bại ngay từ vụ đầu tiên do lựa chọn giống lúa không phù hợp với chất đất chua phèn nhưng ông không nản chí mà đưa giống lúa khác phù hợp hơn vào gieo trồng. Ông chủ động liên kết với công ty thu mua nông sản để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Cùng với nguồn thu từ chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng từ gieo cấy lúa. Nhờ đó, gia đình ông có cuộc sống đầy đủ, có điều kiện nuôi các con học hành thành đạt. Từ mô hình của ông Điện, hiện nay địa phương đã có gần 10 mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung góp phần hạn chế tình trạng ruộng bỏ hoang.
Cùng chung quan điểm với ông Đoàn Minh Điện, gia đình chị Nguyễn Thị Dung, thôn Lộc Điền, xã Việt Thuận (Vũ Thư) đã mạnh dạn tích tụ 19ha đất nông nghiệp; trong đó có 12ha trồng bí xanh và dưa các loại, 2ha đào ao nuôi cá và làm vườn nuôi gia súc, gia cầm, diện tích còn lại cấy lúa nếp Nhật và lúa bắc thơm. Gia đình chị còn kết hợp chăn nuôi bò cùng một số loại gia cầm. Ngoài ra, chị còn trồng các loại cây ăn quả, tận dụng đất ven sông để trồng cỏ nuôi bò, nuôi cá. Mô hình sản xuất của gia đình chị tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động với thu nhập 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm mùa vụ cho khoảng 20 lao động. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ mô hình của chị Dung, nhiều gia đình ở các địa phương lân cận đã học tập và làm theo góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
Mô hình của ông Điện và chị Dung là 2 trong rất nhiều mô hình “dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Các mô hình “dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế chủ yếu tập trung vào vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình “dân vận khéo” tập trung vận động nhân dân xây dựng các thiết chế văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện hương ước, quy ước về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và nếp sống văn minh; xây dựng mô hình xã, thôn, làng, dòng họ, gia đình văn hóa; tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội theo đúng quy định; đồng thời vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội; phát huy tinh thần tương thân tương ái, từ thiện, nhân đạo vì cuộc sống cộng đồng. Nhiều mô hình có ý nghĩa nhân văn, xã hội sâu sắc, có sức lan tỏa sâu rộng như mô hình “cặp lá yêu thương”, “đường hoa nông thôn mới”.
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, cùng với chủ trương đúng, cơ chế hỗ trợ kịp thời của tỉnh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần tích cực vận động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân đóng góp tinh thần, vật chất, hiến đất, góp công, kinh phí quyết tâm hoàn thành nhanh, bền vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là những tiêu chí khó, có tính đột phá của địa phương, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân. Đến nay, Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở cả hai cấp xã và huyện. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống của người dân được nâng lên, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào “Dân vận khéo” được tập trung chỉ đạo gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và giải quyết các vấn đề tồn đọng bức xúc, những khó khăn, vướng mắc của nhân dân ngay từ cơ sở. Đặc biệt, có những cơ sở đảng đã xây dựng được mô hình “dân vận khéo” góp phần phòng, chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ tiếp dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Bên cạnh đó, phương thức lãnh đạo, năng lực quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền và tinh thần trách nhiệm, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từng bước được nâng lên, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
Phát huy kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong nhiệm kỳ tới sẽ là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, góp phần xây dựng Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
(baothaibinh.com.vn)