Lựa chọn những mô hình, việc làm “Dân vận khéo” với nội dung cụ thể, thiết thực, cách thức triển khai thực hiện sáng tạo, phù hợp, nhiều mô hình, việc làm “Dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đã đem lại những hiệu quả tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân.
|
Lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Tuyên Quang nắm tình hình
việc thực hiện mô hình “Vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ tiền hoàn thiện nhà văn hóa tổ
gắn với khuôn viên và sân thể thao” tại tổ 8, phường Nông Tiến. |
Từ năm 2016 - 2020, thành phố có 7.644 việc làm, mô hình “Dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện. Các mô hình, việc làm hiệu quả tập trung ở mọi lĩnh vực. Với các nội dung cụ thể, tập trung vào giải quyết các việc khó, việc trọng tâm, việc mới phát sinh tại địa phương, cơ quan, đơn vị, như: Vấn đề quản lý trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới; giải phóng mặt bằng; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...
Điển hình như trong lĩnh vực phát triển kinh tế, toàn thành phố đã xây dựng được 173 mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Mật ong Phong Thổ xã An Khang; tinh bột nghệ xã Lưỡng Vượng; bưởi Thái Long; cam đường canh, chanh tứ thì xã Đội Cấn; cá Chiên, cá Bỗng xã Tràng Đà; trồng hoa, cây cảnh tại các phường Nông Tiến, Tân Hà, Ỷ La; gạo chất lượng cao tại xã Kim Phú; chè Mỹ Lâm.
Mô hình trồng bưởi của anh Trần Trọng Thức, tổ dân phố 15 là một điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” phường Đội Cấn. Trước đây, 5 ha đồi của anh Thức trồng các loại cây kém hiệu quả, chưa có quy mô nhưng đến nay đã là một đồi bưởi bạt ngàn với những cây bưởi sai trĩu quả. Anh Thức bảo hiện có 1.400 cây bưởi, anh nhẩm tính, mỗi cây bưởi cho thu lãi 5 triệu đồng/vụ. Chỉ vài năm trước, con đường lên đồi bưởi dốc cao, rất khó đi vào mùa mưa khiến việc vận chuyển phân bón cho cây, cũng như thu hái để mang đi tiêu thụ quả vô cùng khó khăn. Giờ thì đã khác, đã có đường bê tông rộng rãi chạy thẳng lên đồi. Ô tô của thương lái vào tận chân vườn để thu mua bưởi. Đồi bưởi của anh cũng vì thế trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu của thành phố, được nhiều người đến tham quan học tập.
Anh Thức cho biết thêm, lúc đầu khi được đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương đến tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh cũng băn khoăn, do dự lắm. Nhưng nhờ có sự giải thích, giúp đỡ, tạo điều kiện hết sức từ cấp ủy, chính quyền nên anh đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đồi sang trồng bưởi. Không chỉ giúp đỡ về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, phường còn tuyên truyền cho anh về Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn anh làm các thủ tục để được công nhận là mô hình kinh tế trang trại và anh được vay 500 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất, trồng trọt.
Anh cũng được hỗ trợ 30 triệu đồng không hoàn lại từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, phường còn tuyên truyền cho anh về Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Kiên cố hóa kênh mương; bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016 - 2020”. Anh đã nắm bắt ngay cơ hội được Nhà nước hỗ trợ xi măng, bỏ ra 45 triệu đồng để mua cát sỏi làm con đường bê tông dài 250 m lên đồi bưởi.
Từ mô hình trồng bưởi của anh Thức, đến nay trong tổ đã có tới 20 hộ phát triển mô hình kinh tế trồng bưởi. Mô hình đã đem lại cuộc sống khấm khá hơn cho người dân nơi đây.
Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cán bộ làm công tác dân vận đã linh động, sáng tạo trong tuyên truyền để làm thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của người dân; nắm bắt tâm tư, khó khăn của người dân để có phương thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả, giúp họ giải quyết các khó khăn đó một cách hợp lý, hợp tình.
Mô hình “Dân vận khéo trong bê tông hóa 600 m đường vào khu sản xuất ở thôn 2, xã Lưỡng Vượng” là một ví dụ cụ thể. Trước kia, đó là đoạn đường mòn rộng chưa đầy 1m chạy qua đồi chè. Dọc theo đoạn đường này chỉ có 9 hộ dân sinh sống. Muốn làm được tuyến đường này thì cần hơn 100 triệu đồng. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, tính ra mỗi hộ phải đóng 9 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với các hộ làm nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ biết nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, cấp ủy, chính quyền, MTTQ của thôn đã làm tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương của Nhà nước đối với việc hỗ trợ làm đường vào khu sản xuất. Đồng thời, công khai, minh bạch các khoản thu, chi trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn; đưa việc làm đường ra để trao đổi, bàn bạc, thảo luận công khai, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên. Do đó, mọi khó khăn trong quá trình làm đường đều được giải quyết. Đoạn đường được hoàn thành trong sự đồng thuận của nhân dân cả thôn.
Bà Nguyễn Thị Thược, ở thôn 2 phấn khởi bảo, trước đây chưa có con đường bê tông, mỗi khi trời mưa xuống mà có việc phải đi qua đoạn đường này thì trơn trượt khổ sở lắm. Cũng may được cán bộ thôn tuyên truyền, chúng tôi biết đến chủ trương hỗ trợ làm đường của Nhà nước nên phải nắm bắt cơ hội làm ngay, chứ không không biết bao giờ mới làm được con đường bê tông sạch sẽ như thế này.
Trong 5 năm qua, thành phố Tuyên Quang đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương châm Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ. Từ năm 2016 đến nay, đã kiên cố hóa 54.433 m kênh mương bằng cấu kiện bê tông lắp ghép; bê tông hóa 10.560 m đường giao thông nội đồng; xây mới và nâng cấp 85 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Hiện nay thành phố có 14/15 nhà văn hóa xã, phường; 238 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ; đã vận động được nhân dân hiến được gần 4.900 m2 đất để làm đường bê tông, làm nhà văn hóa...
Có thể khẳng định, các mô hình, việc làm “Dân vận khéo” của thành phố đã được các tập thể, cá nhân tiếp tục phát huy, triển khai thực hiện và có thêm những cách làm cụ thể, sáng tạo, có sức lan tỏa. Qua đó, góp phần tạo bước chuyển biến về tinh thần, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
(baotuyenquang.com.vn)