Thứ Hai, 25/11/2024
Hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Ninh Thuận
Mô hình trồng măng tây xanh của bà con xã An Hải (Ninh Phước)

Qua thực hiện phong trào đã xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển, bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP - AN), giữ vững ổn định chính trị, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Xác định công tác dân vận mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, thời gian qua, tỉnh thường xuyên chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Các cấp ủy đảng đã tập trung chỉ đạo hướng về cơ sở, tăng cường vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vật nuôi cây trồng, phát triển dịch vụ, thương mại. Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, đoàn thể đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tăng cường nắm bắt tình hình nhân dân, tham mưu kịp thời những vấn đề mà người dân bức xúc. Phong trào “Dân vận khéo” cũng đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân về thực hành tiết kiệm, giữ gìn nét đẹp văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Trong 5 năm đã có 984 mô hình tiêu biểu với cách làm “Dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư.

Điển hình, trên lĩnh vực kinh tế, các địa phương, đơn vị thực hiện 117 mô hình tập thể và 44 mô hình cá nhân; điển hình các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình “1 phải, 5 giảm”; “Cánh đồng lớn” trên cây lúa; Tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ; mô hình “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”; “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; Hội Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình và phát huy tốt vai trò của các tổ tín chấp vay vốn phát triển sản xuất; mô hình “Hội Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” và xây dựng quỹ giúp hội viên phát triển kinh tế; mô hình vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường giao thông, kênh mương nông thôn… đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ở lĩnh vực QP-AN có 227 mô hình tập thể, 23 mô hình cá nhân, điển hình với nhiều nội dung, biện pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh đẩy lùi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; góp phần tạo sự đồng thuận, động viên nhân dân tham gia phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, xây dựng Ðảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhiều điển hình đã được Trung ương khen thưởng, như Khối Dân vận xã Phước Hậu (Ninh Phước) được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và ông Chamaléa Ượng, thôn Đá Mài Trên, xã Phước Kháng (Thuận Bắc) được Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen là điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020…

Có thể nói, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tác động chuyển biến trong việc đổi mới nội dung, phương thức vận động của Mặt trận, các đoàn thể và các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị theo hướng sát cơ sở, sát dân, cụ thể, thiết thực hơn, thu hút sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Phong trào “Dân vận khéo” đã xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; mở rộng và phát huy dân chủ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Phát huy các thành quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; gắn phong trào “Dân vận khéo” với công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân; giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, nguyện vọng chính đáng và những vấn đề bức xúc của nhân dân; chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là gia đình chính sách, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục phát hiện, xây dựng các mô hình, điển hình mới, đồng thời quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình đã xây dựng trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo sự lan tỏa trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá những kết quả đạt được, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích để động viên, thúc đẩy phong trào.

(baoninhthuan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi