Thứ Năm, 26/12/2024
Tạo chuyển biến thực chất trong xây dựng đô thị văn minh ở Hòa Bình
 
Nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Hòa Bình được đầu tư, thực hiện quy chế quản lý đô thị hiện đại, văn minh.


Nhiều năm nay, TP Hòa Bình chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường công tác quản lý quy hoạch đô thị, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện quy chế quản lý đô thị và nếp sống văn minh đô thị, gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Theo đó, đã tạo chuyển biến tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc về đô thị, xây dựng đô thị thành phố xanh - sạch - đẹp. Công tác phối hợp xử lý vi phạm trật tự đô thị được tăng cường. Ý thức chấp hành các quy chế, quy định về quản lý đô thị của người dân được cải thiện. Tỷ lệ thu gom rác thải đạt trên 90%. Tình trạng mái che, mái vẩy lấn chiếm lòng đường, hè phố tại nhiều tuyến phố cơ bản được khắc phục. Nhiều phường, xã duy trì, nhân rộng hiệu quả các mô hình: "Đường phụ nữ tự quản”, "Khu dân cư kiểu mẫu”, "Khu dân cư không rác, tuyến phố văn minh”, tuyến đường hoa, công trình giao thông, bảo đảm cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp...

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy thành phố Hòa Bình cho biết: TP Hòa Bình đang đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong xây dựng đô thị văn minh, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành các quy định về quản lý đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phấn đấu xây dựng thành phố đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2 trước năm 2025, xây dựng đô thị thành phố hiện đại, đồng bộ, sạch đẹp, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.  

Trong những năm qua, công tác dân vận được đổi mới, chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình dân vận khéo trong thực hiện văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh... Các phong trào thi đua về thực hiện nếp sống văn minh đô thị được phát động và triển khai sâu rộng. Nhiều mô hình tự quản về đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng văn minh đô thị được triển khai, duy trì hiệu quả, tiêu biểu như các mô hình: Khu dân cư tự quản về vệ sinh môi trường; khu dân cư, tuyến đường, tuyến phố tự quản không có quảng cáo, rao vặt sai quy định;  đoạn đường cựu chiến binh tự quản; tuyến đường thanh niên tự quản "Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”… Toàn tỉnh hiện có 12 đô thị, trong đó, TP Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II, thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV. Toàn tỉnh có 3/10 phường (chiếm 30%), 4/10 thị trấn (chiếm 40%) đạt chuẩn đô thị văn minh theo quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24/1/2013 của Bộ VH-TT&DL. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện xây dựng đô thị văn minh còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập như: Việc đảm bảo trật tự, nhất là trật tự xây dựng, an toàn giao thông, nếp sống văn minh đô thị chuyển biến chậm. Vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại, bức xúc. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để cơi nới nhà ở, kinh doanh, quảng cáo, gây mất trật tự, mỹ quan còn diễn ra khá phổ biến; văn hóa trong ứng xử và sinh hoạt nơi công cộng còn hạn chế…

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2020 - 2025”. Đề án đề ra mục tiêu cụ thể như: 100% cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân sống ở các khu đô thị được phổ biến, tuyên truyền, nắm vững và tự giác thực hiện các tiêu chuẩn công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 80% trở lên hộ gia đình thực hiện tốt các quy định hiện hành về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và nếp sống văn minh đô thị; 80% trở lên gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa”, tổ dân phố được công nhận "Tổ dân phố văn hóa” hàng năm; 80% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa. 100% phường, thị trấn đăng ký xây dựng mô hình tự quản và các mô hình điển hình trong xây dựng đô thị văn minh; trong đó, mỗi đơn vị có ít nhất từ 2 - 3 mô hình tiêu biểu được gắn biển, nhân rộng tại khu dân cư...

Đề án cũng xác định những nhiệm vụ giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong xây dựng văn minh đô thị, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong xây dựng đô thị văn minh; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong xây dựng đô thị văn minh; đẩy mạnh công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện xây dựng đô thị văn minh… 

(baohoabinh.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi