Thứ Hai, 25/11/2024
Hiệu quả từ thi đua “Dân vận khéo” ở Phú Thọ
 
Mô hình “Ngọn đèn an ninh” không chỉ đảm bảo ANTT mà còn góp phần xây dựng
nông thôn mới, đô thị văn minh tại huyện Đoan Hùng.

Những cách làm sáng tạo

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Thanh Ba đã tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ dồn đổi ruộng đất, tạo đột phá để tiến hành sản xuất nông nghiệp trọng điểm theo hướng hàng hóa. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công đó là công tác Dân vận được các cấp ủy, chính quyền triển khai quyết liệt và hiệu quả. Thực tế, việc dồn điền đổi thửa đã được thực hiện từ những nhiệm kỳ trước nhưng chưa thành công, chủ yếu dừng ở việc đổi thửa xa lấy thửa gần. Vì vậy, diện tích thực hiện được rất nhỏ, cơ bản không khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ.

 Xã Chí Tiên là một trong những địa phương của huyện Thanh Ba sớm hoàn thành dồn đổi gần 35ha, thu gọn 900 thửa nhỏ lẻ xuống còn 300 thửa ruộng, được quy hoạch hiện đại với đường đi song song với mương tưới tiêu. Để đạt được thành quả đó, với quyết tâm cao và các biện pháp “Dân vận khéo” của Đảng ủy, chính quyền xã đóng vai trò quyết định.

Đồng chí Nguyễn Viết Chí - Bí thư chi bộ khu 7 không nhớ đã tổ chức bao nhiêu cuộc họp cấp thôn, xóm để có được sự nhất trí của nhân dân. Là khu có số lượng hộ dân và số thửa ruộng cần dồn đổi lớn nhất trong xã với 144 hộ và 241 thửa, với đồng chí và Ban công tác Mặt trận là thử thách không nhỏ. Người dân đã quen với tập quán canh tác có ruộng gần, ruộng xa, ruộng cao, ruộng thấp thế nên khi có chủ trương dồn đổi, nhiều người không đồng thuận. Đồng chí đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu. Thậm chí, để chứng tỏ vai trò nêu gương, đồng chí Bí thư chi bộ cùng các cán bộ khu đã tự nhận những thửa ruộng mà bà con không muốn nhận. Kết quả, nhân dân nhất trí đóng góp công sức, đất đai và tiền bạc để dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại mạng lưới giao thông nội đồng. 

Đồng chí Nguyễn Tiến Tấn - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chí Tiên cho biết: “Thực tế, quá trình dồn điền đổi thửa của xã gặp không ít khó khăn. Chủ yếu do đất lúa và đất màu xen kẽ, nhiều diện tích dôi dư chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc đó, vai trò của các Bí thư chi bộ trong việc vận động nhân dân là rất quan trọng. Xã đã tổ chức làm điểm rồi nhân rộng ra toàn xã. Tất cả chỗ thấp, chỗ cao đều san bằng rồi chia lại theo hình thức bốc thăm. Diện tích các hộ đều được chia công bằng, ruộng nhà nào cũng giáp đường, giáp mương nên nhân dân rất hồ hởi”.

Không chỉ trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh cũng phát huy hiệu quả tích cực. Tại huyện Đoan Hùng, mô hình “ngọn đèn an ninh” ra đời đã nhận được đông đảo sự hưởng ứng của người dân. Từ năm 2016 đến nay, đã có 16.086 hộ dân tại 22 xã, thị trấn lắp đặt 12.687 bóng đèn chiếu sáng trên tổng số 363,7km đường với tổng kinh phí trên 3,7 tỷ đồng. 

Khu Xuân Áng, xã Chí Đám là khu dân cư đầu tiên của huyện triển khai mô hình này. Đồng chí Phùng Ngọc Tú - Bí thư chi bộ cho biết: “Ban công tác Mặt trận (CTMT) đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện đóng góp 100% kinh phí mua vật tư, thiết bị lắp đặt toàn bộ hệ thống chiếu sáng dọc theo các tuyến đường trong khu dân cư và tham gia các hoạt động tự quản về ANTT”. Đến nay, 100% các tổ liên gia đã hoàn thiện 3,5km đường thắp sáng với 220 bóng đèn, tổng kinh phí 35 triệu đồng. Hàng tháng, các tổ liên gia sẽ có trách nhiệm đóng tiền điện và duy trì, bảo dưỡng mỗi khi hệ thống xảy ra sự cố, hỏng hóc. 

Từ những việc làm cụ thể, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Đoan Hùng đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền với công tác dân vận của Đảng; phát huy vai trò mạnh mẽ của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội cùng với nhân dân. Phong trào “Dân vận khéo” còn góp phần thúc đẩy kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; giữ vững ANTT trên địa bàn; xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Trong 5 năm (2015 - 2020), Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” rộng rãi trong hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo gắn triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và nhiều cuộc vận động, thi đua khác. Công tác thông tin, tuyên truyền về các phong trào thi đua cũng được thực hiện thường xuyên. Đáng chú ý, năm 2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Hội nhà báo và các cơ quan báo chí triển khai Cuộc thi báo chí viết về tấm gương Dân vận khéo đến năm 2020.

Tuy vậy, từ thực tiễn phong trào vẫn còn tồn tại một số hạn chế như công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Sự tham gia, phối hợp trong quá trình thực hiện mô hình chưa được đồng bộ, thiếu chặt chẽ dẫn đến hiệu quả chưa cao. Quá trình triển khai, đăng ký, xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo” còn lúng túng, khó khăn nhất là trong các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đồng chí Dương Thị Thu Vân - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục chú trọng công tác lãnh, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở địa phương, đơn vị. Thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp. Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai, thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 gắn với thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên và phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

(baophutho.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi