|
Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai khen thưởng các điển hình Dân vận khéo trong xây dựng
nông thôn mới của tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020 |
Mỗi việc làm, mô hình trong phong trào thi đua Dân vận khéo đều xuất phát từ mong muốn chung tay vì cộng đồng để xây dựng xã hội, đơn vị, địa phương ngày càng tốt đẹp hơn, để đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
* Nhiệt tình với công việc của địa phương
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở vùng đất võ Tây Sơn, Bình Định, năm 1978, ông Hồ Sơn Tư, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Hồ Sơn Tư đã đưa cả gia đình đến lập nghiệp tại xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc). Với sự cần cù, nỗ lực trong lao động sản xuất và sự nhạy bén, năng động trong tìm kiếm các cách thức làm ăn, đến nay ông Tư đã trở thành một doanh nhân nổi tiếng trong vùng.
Khi trở thành doanh nhân, mối quan tâm lớn nhất của ông lại là người nghèo. Ông luôn tích cực tìm kiếm các đối tác để công ty làm ăn có hiệu quả, giải quyết việc làm cho 70 lao động làm việc thường xuyên, với thu nhập 8-15 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, ông còn mở các lớp dạy nghề mộc và thủ công mỹ nghệ cho lao động nông thôn ở các xã: Xuân Tâm, Xuân Hưng và Xuân Hòa. Tham gia các lớp học này chủ yếu là thanh niên sau khi học xong phổ thông, không có điều kiện học đại học. Nhiều người sau khi được ông Tư dạy nghề đã mở được cơ sở sản xuất riêng, làm ăn hiệu quả, thu nhập cao.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 11.890 mô hình Dân vận khéo của 7.672 tập thể và 6.296 cá nhân đăng ký thực hiện trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Đến nay, phần lớn các mô hình đã được thực hiện thành công, thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
|
Bên cạnh mở cơ sở dạy nghề cho thanh niên, ông Tư còn thành lập ngân hàng bò với hàng trăm con để cho bà con nghèo mượn bò cái. Sau khi bò cái đẻ, bà con lấy bê nuôi, còn bò cái lại được ông Tư chuyển cho hộ khác nuôi. Có hộ được mượn nuôi 6-7 bò cái, nhờ đó mô hình này đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, ông Hồ Sơn Tư cũng là người tích cực trong việc đóng góp kinh phí để thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong đó, ông đã hiến 3 ngàn m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn ở xã Xuân Hòa; đóng góp kinh phí để làm đường vào các chợ, trường học trên địa bàn xã; làm cổng chào ở các khu dân cư; ủng hộ làm cầu ở ấp 1 và 2, xã Xuân Hòa; ủng hộ kinh phí xây dựng nhà tình thương cho người nghèo và nhà tình nghĩa cho gia đình có công với cách mạng... với tổng kinh phí đóng góp cho các hoạt động này hàng tỷ đồng/năm. Hằng năm, ông còn hỗ trợ học phí cho học sinh giỏi nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn để việc học của các em không bị bỏ dở giữa chừng.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa Trương Thị Hồng Liên nhận xét: “Ông Hồ Sơn Tư không chỉ là doanh nhân giỏi làm ăn mà còn là người giàu lòng nhân ái. Mỗi khi xã tổ chức các đợt Dân vận, ông đều nhiệt tình tham gia, đóng góp tích cực vào thực hiện chương trình an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Với 21 năm làm Tổ trưởng Tổ nhân dân số 17, ấp 6 (xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu), ông Lê Văn Giữ có nhiều kinh nghiệm trong công tác Dân vận. Ông Giữ cho biết, năm 1999, tổ của ông chỉ có 18 hộ, với 83 nhân khẩu. Đường đi trong tổ nhỏ và hẹp, chỉ là các lối đi bộ. Trước thực trạng đó, ông và các cụ cao niên có uy tín trong tổ đã vận động nhân dân hiến đất để mở đường. Kết quả sau khi vận động, 8 hộ có diện tích đất nằm trong kế hoạch mở đường đã đồng ý hiến đất mà không đòi đền bù. Sau khi đường được mở rộng, ông tiếp tục vận động bà con đóng góp kinh phí để kéo điện hạ thế phục vụ sinh hoạt. Có đường và điện, cuộc sống bà con bớt khó khăn...
Tháng 10-2019, ông Giữ cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương vận động bà con bê tông hóa 1 tuyến đường khác trong tổ. Tổng vốn đầu tư cho tuyến đường này hơn 2 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp 20%, còn lại Nhà nước hỗ trợ. Để làm được tuyến đường này, ngoài việc vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ông còn phải vận động dân hiến thêm 253m2 đất để mở rộng những đoạn đường nhỏ hẹp, chưa đủ diện tích theo thiết kế của toàn tuyến đường.
Ngoài vận động nhân dân đóng góp kinh phí và hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, ông Giữ còn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tham gia tích cực các phong trào thi đua; xây dựng tình làng nghĩa xóm trong khu dân cư... Vừa qua, khi xảy ra đại dịch Covid-19, ông đã vận động nhân dân, mạnh thường quân và gia đình ủng hộ 7 triệu đồng để giúp đỡ các trường hợp bị mất việc làm và có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Từ những kết quả đạt được trong công tác Dân vận, ông Lê Văn Giữ rút ra kinh nghiệm, muốn dân tin, mọi chủ trương, chính sách, dự án trước khi triển khai thực hiện phải công khai cho dân biết để dân thảo luận, chọn phương án khả thi nhất rồi biểu quyết thông qua. Làm được việc này sẽ tránh được tình trạng, có dự án làm xong không đem lại hiệu quả thiết thực phải đập bỏ hoặc để hoang phí. Trong quá trình làm, lắng nghe ý kiến nhân dân để chỗ nào không phù hợp, chỉnh sửa ngay. Khi dân đóng góp các khoản kinh phí để xây dựng địa phương thì phải công khai, minh bạch và có sự giám sát của dân.
* Vì nhân dân phục vụ
Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp 2, xã Bàu Cạn (H.Long Thành) Hồ Thị Mùi được bà con nhân dân trong vùng yêu quý bởi sự nhiệt tình trong phong trào phụ nữ nói riêng và các hoạt động của xã nói chung. Là cán bộ Hội Phụ nữ, bà Mùi luôn trăn trở làm sao để chăm lo đời sống chị em được tốt nhất. Xuất phát từ những trăn trở của bản thân, năm 2018, bà Mùi đã có sáng kiến thành lập Tổ phụ nữ từ thiện của ấp với 28 thành viên tham gia.
“Số tiền mà Tổ phụ nữ từ thiện ấp vận động mạnh thường quân và tiết kiệm chi tiêu đóng góp dùng để giúp đỡ những hoàn cảnh chị em khó khăn. Dù còn ít ỏi nhưng của ít, lòng nhiều, giúp được ai chút gì là chị em chúng tôi thấy ấm lòng, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cán bộ, hội viên”- bà Mùi chia sẻ.
Ngoài những gương Dân vận khéo như ông Tư, ông Giữ và bà Mùi nói trên, từ thực tiễn công tác Dân vận của tỉnh thời gian qua còn xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến khác. Đó là ông Nguyễn Huy Phê, Bí thư Đảng ủy xã Sông Ray (huyệnCẩm Mỹ), là người đứng đầu cấp ủy của địa phương, ông thường xuyên xuống gặp gỡ, tiếp xúc và trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới nâng cao. Qua đó, nhân dân trong xã đã hiến 3 ngàn m2 đất và đóng góp hơn 2,4 tỷ đồng cùng hàng trăm ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi cho xã.
Trước đó, từ năm 2016-2018, khi là Chủ tịch UBND xã Lâm San, ông cũng đã trực tiếp vận động các mạnh thường quân ủng hộ 520 triệu đồng để mua cây trồng dọc các tuyến đường chính của xã. Đồng thời, luôn cùng cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân trong xã chăm sóc cây xanh trong khu dân cư... Năm 2017, xã Lâm San được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao.
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) Trần Hoàng Sự rất quan tâm đến việc chăm lo người nghèo tại địa phương. Dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua, ông đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn trong xã thực hiện mô hình 30 ngày tiết kiệm mừng sinh nhật Bác, qua đó đã tiết kiệm được hơn 640 triệu đồng để phục vụ cho các hoạt động của Đoàn và chăm lo cho đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Ông còn vận động các mạnh thường quân tặng hơn 2.600 suất học bổng, 260 xe đạp và 11.300 quyển tập cho học sinh nghèo. Vận động xây tặng 2 căn nhà nhân ái; hỗ trợ 14 tấn gạo cho gia đình khó khăn trong dịch Covid-19 vừa qua. Vận động đoàn viên, thanh niên tham gia phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn huyện, mỗi tháng 500 ngàn đồng/mẹ, thể hiện tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung cho biết, phong trào thi đua Dân vận khéo trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã chú trọng tính hiệu quả, thiết thực; huy động được sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tôn giáo, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động nhân đạo từ thiện... Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; nhất là góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.
(baodongnai.com.vn)