Thứ Hai, 25/11/2024
“Dân vận khéo” trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai

Lực lượng quân đội giúp dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai)
 di dời nhà cửa xây dựng làng nông thôn mới.
 

Khi già làng làm dân vận

Là những người giàu kinh nghiệm sống, có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên, các già làng luôn được người dân và cộng đồng kính trọng. Vai trò, vị trí của các già làng được khẳng định trong quá trình tham gia cùng chính quyền các cấp làm công tác dân vận với nhiều cách làm riêng, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Họ thật sự trở thành những trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển cuộc sống mới ở các thôn, làng...

Người dân vùng biên giới xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) luôn nhắc tới già làng Ksor H’Blâm (76 tuổi) với niềm tự hào bởi bà chính là “cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân, giữa luật tục với luật pháp. Sau 20 năm phục vụ trong quân đội, già Ksor H’Blâm trở về làng Krông của mình, cùng với những gì học được từ những năm tháng làm cách mạng, bà đã giúp cho cuộc sống của người dân quê mình từng bước thay đổi. “Có tận mắt chứng kiến dân làng đói khổ thì mình mới có quyết tâm thuyết phục, giúp đỡ họ vượt qua cái nghèo, cái khổ. Hồi đó mình vừa làm vừa thuyết phục, biết cái gì thì truyền dạy cho người dân cái đó...” - bà H’Blâm nhớ lại. Năm 1998, bà trở thành nữ già làng đầu tiên của Tây Nguyên và ở vùng biên này. Gánh trên vai trách nhiệm cao cả, bà H’Blâm càng hăng say lao động sản xuất để làm gương cho dân làng. Không chỉ thuyết phục người dân bằng những việc làm của mình, chỉ cho họ cách trồng lúa, trồng cây công nghiệp sao cho hiệu quả, bà còn tạo điều kiện, giúp các gia đình khó khăn bằng cách cho mượn bò về nuôi, đến khi bò sinh sản, bà lấy lại bò mẹ và tiếp tục cho người khác mượn để gây dựng con giống... Cứ như vậy, nhiều gia đình đã thoát được đói, nghèo.

Cả vùng Đông Trường Sơn, ai cũng biết già làng Đinh Keo (ở làng Pyang, thị trấn Kông Chro), bởi ông nắm giữ khá nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ cồng chiêng, tạc tượng, đan lát cho đến hát dân ca, hát kể sử thi... Chính từ lợi thế này mà ông có “bí quyết” riêng trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông tâm sự: “Năm 2018, tôi nghỉ công tác và được dân làng tín nhiệm bầu làm già làng. Về sinh hoạt với cộng đồng, gần gũi người dân, tôi nhận ra rằng không thể cứ theo lối tuyên truyền là đọc các văn bản, nghị quyết cho người dân nghe bởi những thông tin văn bản khô khan sẽ không thu hút được sự chú ý của mọi người, bởi thế nên cũng khó có thể truyền đạt được hết nội dung mong muốn. Phải có cách tuyên truyền gắn với thực tiễn, với đời sống tinh thần của người dân, thì họ mới dễ tiếp thu và đồng thuận”.

Theo già Keo, các dân tộc ở Tây Nguyên luôn có niềm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình và nó đã ăn sâu vào máu thịt của đồng bào. Hiểu rõ điều này, ông vận dụng kiến thức của mình để đánh thức và khơi dậy các giá trị văn hóa vốn tiềm ẩn trong đời sống, lao động của người dân, qua đó tạo nên sự gắn kết, hòa nhập cộng đồng. Ông khẳng định: “Nếu thông báo tổ chức họp làng để phổ biến, triển khai các văn bản hoặc bàn bạc những vấn đề quan trọng, người làng hầu như sẽ không thiết tha, ít người tới tham gia bởi họ đã trải qua một ngày làm việc rất vất vả trên nương, rẫy. Thế nhưng, khi nghe tiếng cồng, tiếng chiêng nổi lên ở nhà rông đầu làng, thì ai nấy đều vui vẻ sắp xếp công việc để tụ hội về nhà rông, hòa mình vào từng tiếng cồng, nhịp chiêng. Khi tinh thần của dân làng đang phấn chấn, tiếng chiêng dần nhỏ lại là lúc tôi bắt đầu triển khai các vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng hình thức kể chuyện, tâm tình với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu. Vậy nên người làng thích lắm, họ lắng nghe, và nắm bắt ngay những việc tôi muốn truyền đạt”.

Luôn đổi mới và nhân rộng mô hình dân vận hiệu quả

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện được 883 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Trong đó có 532 mô hình, điển hình tập thể; 352 mô hình, điển hình cá nhân trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế; phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị. Năm 2020, Gia Lai được đánh giá là tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, mà điển hình là thành công về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào DTTS. Cho đến nay, có 84 thôn, làng được công nhận là làng DTTS xây dựng NTM.

Làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện được tỉnh Gia Lai và huyện Phú Thiện chọn làm điểm theo tinh thần Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số”. Đây là một trong bốn làng căn cứ cách mạng của huyện Phú Thiện, trước kia có hơn 100 hộ với hơn 400 khẩu mà có tới 60% số hộ nghèo bởi người dân chủ yếu sản xuất lúa rẫy và trồng mì, cho thu nhập thấp. Vì nghèo đói nên năm 1990, 12 hộ dân với gần 60 khẩu đã tự ý di dời lên định cư trên núi Cheng Leng thuộc địa phận xã H’bông, huyện Chư Sê với hy vọng tìm kiếm cuộc sống mới. Nhưng ở đó, cái đói nghèo vẫn đeo đẳng, họ sống cuộc sống biệt lập, ốm đau không được chữa bệnh, trẻ em không được học hành,... Đó là câu chuyện trước kia. Sau khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là công tác dân vận được triển khai bằng hình thức phù hợp, hiệu quả, những chính sách thiết thực đi vào thực tiễn đã giúp cuộc sống dân làng từng bước đổi thay. Năm 2020, làng Hek được công nhận là làng đạt chuẩn NTM. Bây giờ, làng đã được sắp xếp, quy hoạch lại bài bản, 11 trục đường bê-tông chia làng thành tám ô bàn cờ, lấy nhà rông làm khu trung tâm; mỗi hộ dân được cấp 600 m2 đất để làm nhà, chung quanh rào ngăn nắp bằng lưới và trụ bê-tông có cổng, ngõ; gia súc được nuôi nhốt, không thả rông, người dân được dùng điện, sử dụng nước sạch...

Nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Đỗ Ngọc Thành cho biết: Từ thành công của làng Hek, chúng tôi rút ra được nhiều bài học bổ ích cho công tác dân vận; nhất là dân vận ở vùng đồng bào DTTS. Đó là phải xuất phát từ thực tiễn phong phú, từng bước giúp người dân tìm lại giá trị của cuộc sống cộng đồng, nương tựa vào nhau, giúp nhau vươn lên. Nhớ những ngày đầu đi vận động người dân làng Hek, vấn đề khó nhất là làm sao thuyết phục được 12 hộ dân ở trên núi Cheng Leng trở lại làng, hòa nhập với cộng đồng. Bấy giờ, song song với việc tiến hành quy hoạch làng Hek thì sự giúp sức của các già làng, người có uy tín rất có ý nghĩa. Họ đến từng nhà tâm tình, vận động người dân. Cùng đó, chính quyền phân công cụ thể từng tổ chức, đoàn thể theo dõi, giúp đỡ người dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc...; trong đó, quan trọng nhất là tổ chức ngay việc đưa tất cả trẻ em được đến trường, bố trí ăn ở nội trú, đưa bác sĩ lên khám, chữa bệnh, phát thuốc... Sau đó, chúng tôi tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao... giữa các hộ dân nhằm khơi dậy bản sắc văn hóa, tình cảm cộng đồng. Nhờ vậy, chỉ sau thời gian ngắn, người dân đã ổn định tư tưởng, bắt đầu cuộc sống mới.

Đồng chí Võ Thanh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: “Gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận là bí quyết được các tổ dân vận trên địa bàn tỉnh đúc kết từ thực tiễn. Thời gian tới, việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm tiến hành thường xuyên, tăng tính cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời không ngừng đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, coi trọng tính thiết thực, hiệu quả, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ưu tiên tập trung giải quyết những việc khó, những việc mới nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt chú trọng, đề cao và phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín nhằm tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, tổ chức cuộc sống gia đình, tiến tới xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, phát triển NTM bền vững.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi