Những năm gần đây, nhiều địa phương, đơn vị của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã có cách làm mới, sáng tạo, thiết thực trong việc xây dựng mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực của đời sống nên đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Từ đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
|
Bà con nông dân huyện Hậu Lộc đưa nhiều cây trồng mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Khi triển khai xây dựng mô hình dân vận khéo, ngoài việc quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến cơ sở, Ban Dân vận Huyện ủy Hậu Lộc phân công từng đồng chí lãnh đạo, cán bộ phụ trách trực tiếp xuống địa phương, hướng dẫn cơ sở lựa chọn, xây dựng mô hình dân vận khéo phù hợp với từng đặc điểm địa bàn. Đồng thời, thực hiện tốt việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả hoạt động của các mô hình, từ đó có cơ sở để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Hiện nay, huyện có 145 mô hình dân vận khéo đang hoạt động hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều xã, thị trấn, thôn dân cư có nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo trong thực hiện công tác dân vận. Trên lĩnh vực kinh tế, Ban Dân vận Huyện ủy chỉ đạo mỗi cơ sở xây dựng mô hình điểm về kinh tế trang trại, kết hợp với trồng cây ăn quả, mô hình sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất cao.
Tiêu biểu là xã Phú Lộc đã xây dựng mô hình dân vận khéo trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất lúa màu và một số diện tích đất hai lúa sang sản xuất cây hàng hóa nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân. Toàn xã đã thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, giảm lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp và dịch vụ, tạo ra sự phân công lao động hợp lý ở địa phương. Những thay đổi trong sản xuất nông nghiệp đã đưa tổng sản lượng hàng hóa hàng năm đạt 4.000 - 5.200 tấn. Giá trị bình quân 1 ha canh tác năm 2015 đạt 145 triệu đồng, năm 2020 ước đạt 195 triệu đồng/ha (mục tiêu đại hội 170 triệu đồng) có nhiều diện tích cho thu nhập từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng/ha/năm. Các mô hình phát triển chăn nuôi tổng hợp đã góp phần nâng hiệu quả kinh tế; nhiều mô hình chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản đã cho thu nhập đến 300 triệu đồng/năm.
Lĩnh vực an ninh - quốc phòng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các xã, thị trấn hàng năm tổ chức tuyên truyền, kêu gọi nhân dân đăng ký không tàng trữ, đốt pháo nổ; không mắc các tệ nạn xã hội; duy trì các tổ hòa giải để tập trung giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn ngay từ cơ sở. Tại các khu dân cư thành lập các đội bảo vệ, lực lượng an ninh duy trì trật tự thôn, xóm. Đối với những thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm gặp mặt, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, bảo đảm đủ chỉ tiêu giao quân hàng năm.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), các mô hình dân vận khéo gắn với phong trào thi đua yêu nước được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tích cực triển khai. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn và đổi mới các nội dung công tác tuyên truyền theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy quy chế dân chủ, các đề án, kế hoạch, quy hoạch, nguồn vốn cũng được công khai, minh bạch rõ ràng, người dân được tham gia đóng góp, giám sát tiến độ thi công... Từ đó, nhận thức của người dân về XDNTM đã được nâng lên rõ rệt và tạo sự chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia. Nổi bật như, hội nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế giỏi; phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; hội viên cựu chiến binh gương mẫu, đi đầu trong hiến đất, làm đường... Bên cạnh đó, người dân đã tự nguyện tham gia các phong trào xây dựng cổng, ngõ sạch đẹp, làm đường giao thông nông thôn, cải tạo vườn tạp, kênh mương nội đồng, tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau giảm nghèo một cách bền vững, xây dựng gia đình văn hóa... góp phần làm đổi mới bộ mặt nông thôn của huyện.
Để nhân rộng và tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình dân vận khéo, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng huyện Hậu Lộc tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, thực hiện phong trào thi đua gắn với Nghị quyết 25-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc duy trì hiệu quả, phát triển bền vững các mô hình dân vận khéo đã có và tập trung xây dựng các mô hình mới thiết thực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; tiếp tục gắn thực hiện phong trào dân vận khéo với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào dân vận khéo.
(baothanhhoa.vn)