Với nhiều thành tích trong việc giúp đỡ người dân làm giàu, xóa đói giảm nghèo và xóa bỏ hủ tục, Vàng A Tùng sinh năm 1992, dân tộc Mông là một Bí thư Chi bộ trẻ, tiêu biểu của bản vùng cao biên giới Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát (Lào Cai).
|
Vàng A Tùng và khát vọng làm giàu trên chính quê hương |
Làm giàu trên quê hương
Vàng A Tùng, dân tộc Mông, Bí thư chi bộ bản Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai từng kiêm nhiệm “hai vai” Bí thư và Trưởng thôn. Ở tuổi 28, chàng thanh niên người Mông đã được coi là người có uy tín, được bà con trong bản tin tưởng.
Vàng A Tùng sinh ra tại thôn Ngải Thầu Thượng là một trong những thôn cao nhất Việt Nam. Cách đây vài năm đây là một làng quê nghèo, điện nước sinh hoạt chưa phủ kín, gia đình Vàng A Tùng là một trong 38 hộ nghèo trong thôn. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bản thân Tùng xác định phải đi kiếm con chữ để giúp gia đình thoát nghèo, sau đó giúp bà con thôn bản.
Năm 2011 Tùng thi đỗ vào trường Trường Đại học Lâm nghiệp, chuyên ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên, với mong muốn được trở thành kỹ sư lâm nghiệp. Tháng 9.2011, vượt chặng đường gần 300km trên chuyến xe khách từ Lào Cai xuống thủ đô, Vàng A Tùng mang theo khát vọng đổi thay bản làng.
Cậu thanh niên 19 tuổi khi ấy một thân một mình đặt chân đến bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), anh choáng ngợp trước sự “vận động” của con người nơi thành thị, xe cộ như mắc cửu.
Để vượt qua khó khăn, bản thân anh nhiều năm liền phải vừa tham gia học tập, vừa làm thêm ngoài giờ học để có thêm tiền để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.
"Năm 2015, sau khi ra trường tôi nhận thức được việc lập nghiệp không nhất thiết phải đi làm trong các cơ quan nhà nước, mà có thể lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất của quê hương mình. Với sức trẻ và vốn kiến thức được trang bị tại trường Đại học, bản thân nuôi hy vọng không ngừng phấn đấu vươn lên làm giàu và giúp đồng bào mình cùng vươn lên thoát nghèo" - A Tùng nói.
Nhận thấy củ Hoàng Sin Cô (khoai sâm đất) phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu “cao chót vót” trên đỉnh Ma Cha Va, anh cùng gia đình đã quyết định tái canh lại vườn. Bước đầu khởi nghiệp trong điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình anh chỉ trồng được 30kg giống củ Hoàng Sin Cô, cho thu nhập 5 triệu đồng/vụ.
Đặc biệt, nhờ sự kết nối của huyện Bát Xát, một công ty thạch rau câu nổi tiếng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn để chế biến thành nước giải khát,... Nhận thấy nhiều tác dụng và có thị trường tiêu thụ tốt nên gia đình anh đã nhân giống và mở rộng diện tích cây trồng lên 200kg giống, thu nhập của gia đình tăng lên gấp 10 lần.
Nhìn thấy Bí thư chi bộ của thôn tự tay giúp cả gia đình thoát nghèo, nhiều người mang giấy bút nhờ anh chỉ dạy kinh nghiệm. Đến nay anh Tùng đã vận động được phần đông đồng bào dân tộc thiểu số trong bản cùng làm theo.
Năm 2019 toàn thôn bản trồng trên 10ha cây Hoàng Sin Cô, bán cho Trung tâm dịch vụ huyện trên 80 tấn và bán cho tư thương trên 30 tấn. Năm 2020 bà con đã trồng được gần 20ha, cho thu nhập kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm là 2,38%.
Từ nguồn nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội, Bí thư chi bộ trẻ đã mạnh dạn vay một số vốn để đầu tư chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, tiếp tục trồng trên 1ha cây Hoàng Sin Cô, mỗi năm trừ chi phí thu về trên 120 triệu đồng.
Tấm gương dân vận khéo
Với nỗ lực cố gắng của bản thân, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2017 anh Tùng được bầu làm Phó bí thư Đoàn xã, được Thường trực Đảng ủy, nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu là Bí thư chi bộ - Trưởng thôn Ngải Thầu Thượng.
Ngải Thầu Thượng có nhiều đảng viên trẻ, chi bộ chỉ đạo mỗi đảng viên là một lá cờ tiên phong, một cán bộ tuyên vận thường xuyên vận động bà con đưa các giống cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đồng thời tuyên truyền người dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới.
Trong công tác vận động người dân góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới, để người dân hiểu, Tùng giải thích cặn kẽ cho bà con về lợi ích có đường đi lại thuận tiện, ô tô có thể vào tận bản sẽ giúp hàng hóa được mua bán thuận tiện, giá cao hơn, bà con có cuộc sống khấm khá hơn… Với cách tuyên truyền vì lợi ích của người dân, Vàng A Tùng đã vận động được hơn 40 hộ dân trong bản hiến hơn 5,8km đất làm đường nông thôn mới. Chính bản thân gia đình anh đã làm gương hiến 220m2 đất để làm đường.
Anh trở thành “cánh tay nối dài” trong việc tuyên truyền nông thôn mới cho xã. Với sức trẻ, bàn chân Vàng A Tùng in dấu cả đỉnh Ma Cha Va và Ngải Thầu Thượng.
Vàng A Tùng là một trong những Đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020. Anh cũng là người đại diện cho thế hệ trẻ có bài phát biểu tại Đại hội.
Anh thể hiện nỗ lực cố gắng của bản thân về mạnh dạn đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế gia đình; tự thân lập nghiệp làm giầu chính đáng, giúp đỡ đồng bào vùng dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng quê hương thân yêu nơi địa đầu của Tổ quốc.
|
(laodong.vn)