Thứ Hai, 25/11/2024
Giữ rừng nhờ "dân vận khéo"
Bữa trưa vội giữa rừng Hòa Bắc của đoàn chuyên trách bảo vệ rừng.

Hiệu quả từ những đội bảo vệ rừng

Giở sơ đồ các tiểu khu sẽ đi tuần tra trong tuần này, Thiếu tá Nguyễn Đình Nguyên, Phó trưởng Công an xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), Đội phó Đội chuyên trách Quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVR&PCCCR) của xã nói: “Hiện khu vực Khe Đương (Tiểu khu 27, 29), tình hình tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong diện tích 21ha được giao cho Công ty Bông Sen Vàng vẫn còn tình trạng khai thác vàng âm ỉ diễn ra, có một số đối tượng đãi vàng trước đây còn hoạt động tại khu vực 27. Chúng ta cần chú ý chặt chẽ 2 tiểu khu này”.

Anh Nguyễn Văn Lân - thành viên Đội chuyên trách Quản lý BVR&PCCCR tiếp lời: “Khu vực giáp ranh với quận Liên Chiểu (Tiểu khu 10, 15) vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác gỗ tròn cỡ nhỏ (bao bì) và củi. Tuy mức độ tác động nhỏ nhưng kéo dài. Đặc biệt, các đối tượng tác động trái phép vào khu vực này rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ để tẩu tán tang vật, phương tiện. Thứ hai là khu vực Bàu Bàng (Suối Ty) còn một vài hộ dân lợi dụng sơ hở để khai thác gỗ trái phép. Chúng ta cần phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, Trạm QLBVR sông Bắc để truy quét tại rừng và tổ chức chốt chặn thường xuyên”.

Những cuộc họp “giao ban” như thế diễn ra gần như mỗi ngày tại phòng làm việc của Đội chuyên trách Quản lý BVR&PCCCR xã Hòa Bắc. Được thành lập năm 2016 với 7 thành viên, Đội chuyên trách Quản lý BVR&PCCCR xã Hòa Bắc có nhiệm vụ thực hiện các cuộc tuần tra xuyên rừng nhằm ngăn chặn việc khai thác tài nguyên, khoáng sản diễn ra trên địa bàn. Hằng tháng, Đội chuyên trách Quản lý BVR&PCCCR thực hiện 10-15 chuyến tuần rừng, tuyến dài nhất dài tới 25km.

Huyện Hòa Vang hiện có diện tích rừng lớn, đóng vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, có giá trị về tài nguyên lâm sản. Để bảo vệ rừng, huyện đã thành lập các Đội chuyên trách Quản lý BVR&PCCCR tại các xã với lực lượng trẻ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Đơn cử, xã Hòa Phú có diện tích rừng tự nhiên hơn 4.000ha, trong năm 2018, Đội chuyên trách phối hợp với Trạm kiểm lâm cửa rừng Phú Túc, Hạt kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa, Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang tổ chức tuần tra và tổ chức gần 40 đợt truy quét. Ngoài ra, xã Hòa Phú cũng ký hợp đồng với 5 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng, vận động nhân dân tích cực bảo vệ rừng, phát hiện và tố giác những đối tượng xâm hại rừng. Mặt khác, để tăng cường công tác PCCCR, đầu năm 2018, xã Hòa Phú thành lập Ban chỉ đạo PCCCR gồm 20 người; thành lập 4 tổ PCCCR tại 5 thôn với 45 người tham gia. Cán bộ lâm nghiệp xã phối hợp với kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên tuyên truyền, thông báo cho nhân dân trên loa phát thanh về PCCCR trong mùa nắng nóng, về việc xử lý thực bì và phát lấn chiếm đất rừng, xâm hại rừng. Nhờ đó, vài năm nay, trên địa bàn xã Hòa Phú không có trường hợp tự phát lấn chiếm đất rừng, xâm hại rừng hoặc khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Xem rừng là mái nhà thứ hai

Đồng chí Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Huyện Hòa Vang có nhiều tuyến giao thông thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nhưng cũng tạo áp lực cho công tác bảo vệ rừng, việc triển khai các dự án xuyên rừng tự nhiên và giáp ranh với huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) gây nguy cơ cao về xâm hại tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, một số cá nhân chủ rừng nhận thức còn hạn chế về các mối nguy cơ trong PCCCR, tự ý sử dụng lửa đốt dọn thực bì gây mất an toàn. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng là một khó khăn lớn cho công tác quản lý. “Việc quản lý, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên không chỉ là trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, chính quyền huyện thực hiện những biện pháp đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân ở tất cả các địa bàn tiếp giáp với rừng cùng vào cuộc để bảo vệ rừng”, đồng chí Tôn cho biết thêm.

Thôn Giàn Bí có 82 hộ dân nằm sát rừng đặc dụng. Theo quan niệm của đồng bào Cơ tu, rừng là mái nhà thứ hai, ai xâm phạm sẽ bị thần rừng trừng phạt. Anh Đinh Văn Như, Trưởng thôn Giàn Bí cho hay, Hòa Bắc là vùng thượng nguồn sông Cu Đê nên giữ rừng, giữ dòng sông Nam, sông Bắc, sông Cu Đê không bị ô nhiễm tức là giữ nguồn nước cho nhân dân cả thành phố. “Với vị trí quan trọng như vậy nên tôi luôn vận động bà con nhân dân phải giữ đất, giữ rừng, giữ các dòng sông; trồng rừng trên diện tích được giao khoán theo Nghị quyết số 105/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố về quy định một số cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2017-2020. Bà con Cơ tu sống dựa vào rừng nên có tinh thần bảo vệ rừng rất cao”, anh Như nói.

Theo Thiếu tá Nguyễn Đình Nguyên, nếu không có sự hỗ trợ của chính những người dân tại các thôn liền kề rừng, lực lượng chức năng có căng mình làm việc thì cũng sẽ rất khó khăn, vất vả. Người dân chính là cầu nối, hạt nhân vừa tham gia bảo vệ rừng, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân cùng nhau thực hiện tốt Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Do vậy, tại xã xây dựng lực lượng quần chúng BVR cơ sở gồm 7 tổ xung kích BVR và PCCCR ở thôn và 7 nhóm hộ BVR theo đề án dịch vụ môi trường rừng. Các thành viên Tổ xung kích BVR lựa chọn các cá nhân trẻ khỏe, nhiệt tình, chủ yếu là lực lượng Dân quân thường trực, Công an xã, Đoàn Thanh niên xã và các thành viên Văn phòng UBND xã thường xuyên có mặt tại cơ quan để có thể huy động nhanh khi tham gia chữa cháy rừng. Tổ quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn lựa chọn thành viên chủ yếu là các chủ rừng ở địa phương và các cán bộ quân dân chính thôn thường có mặt tại địa phương để có thể kịp thời phát hiện cháy và huy động lực lượng chữa cháy khi có cháy xảy ra. “Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận trong những năm gần đây nên đã hạn chế rất nhiều vụ việc xâm hại rừng. Nếu có nguy cơ vụ xâm hại rừng thì cũng sớm được phát hiện, kịp thời ngăn chặn. Năm 2019, người dân phát hiện một vụ việc xâm hại rừng và báo với chính quyền, năm nay chưa phát hiện vụ nào. Thành quả này chính là nhờ sự chung tay, ý thức giữ rừng của người dân nơi đây”, Thiếu tá Nguyễn Đình Nguyên nói.

(baodanang.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi