Thứ Năm, 26/12/2024
TP Cần Thơ: Lan tỏa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
 
Công an quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) vận động người dân tham gia phòng, chống tội phạm. 


Thời gian qua, mô hình “Tuyên truyền pháp luật và phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội (TNXH) bằng điện thoại di động thông minh” được người dân phường Phước Thới, quận Ô Môn, ngợi khen bởi cách tuyên truyền hay, ngắn gọn, nhanh chóng, hình ảnh minh họa sinh động.

Thiếu tá Trịnh Thanh Trung, Trưởng Công an phường Phước Thới cho biết, mô hình tuyên truyền pháp luật và phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, TNXH bằng điện thoại di động thông minh được triển khai đầu năm 2019. “Theo đó, mỗi CSKV sẽ kết nối ít nhất 50 tài khoản Zalo. Khi nhận thông báo từ Công an, bà con hỗ trợ nhiều thông tin giá trị, cung cấp đặc điểm nhận dạng đối tượng, biển số xe liên quan các vụ án; báo tin khi có người lạ khả nghi; vi phạm trật tự đô thị, môi trường…

Nhờ sự phối hợp này, trộm cắp giảm đáng kể, cướp giật không xảy ra, tình hình ANTT các khu công nghiệp, nhà trọ chuyển biến tích cực”, Thiếu tá Trịnh Thanh Trung thông tin thêm. Hiện mô hình vừa kể được triển khai toàn quận Ô Môn với 93 nhóm, có 2.790 thành viên…

Mô hình “Kiểm tra an toàn PCCC 12/1” (gọi tắt là “12/1”), một mô hình đặc trưng của TP Cần Thơ trong công tác PCCC, được thành lập từ năm 2013 ở các khu dân cư. Hình thức hoạt động của mô hình là hằng tháng 12 hộ dân ở gần nhau sẽ tiến hành kiểm tra chéo lẫn nhau về công tác bảo đảm an toàn PCCC. Ðến nay, mô hình “12/1” được mở rộng ra ở các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện… với 238 tổ.

Là chủ kinh doanh nhà trọ và cũng là thành viên tích cực của mô hình “12/1” phường An Cư (quận Ninh Kiều), ông Nguyễn Huỳnh Phương cho rằng, mô hình “12/1” rất độc đáo, liên kết 12 hộ dân liền kề trong một khu vực để nâng cao hiệu quả công tác PCCC. Nhiều gia đình ban ngày đi làm, đóng cửa không người trông coi, bất cẩn trong sinh hoạt, hoặc chập điện đã dẫn đến những vụ cháy đáng tiếc, gây thiệt hại nhiều tài sản.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, “Diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” được tổ chức thường xuyên, là dịp để người dân hiểu thêm về hoạt động của Công an; nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm cùng cơ quan chức năng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, qua những đóng góp, giúp CBCS khắc phục thiếu sót, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, mô hình camera phòng chống tội phạm cũng được các cấp lãnh đạo và người dân đánh giá cao.

Đến nay mô hình đã được nhân rộng khắp các xã, phường, thị trấn với 3.319 camera được lắp đặt với số tiền trên 24 tỉ đồng. Năm 2020, mô hình này giúp lực lượng Công an điều tra xử lý 151 vụ 291 đối tượng. Mô hình “Toàn dân tham gia tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội qua đường dây nóng” cũng phát huy hiệu quả rõ rệt, triển khai toàn thành phố. Từ mô hình này, Công an các quận, huyện có sự sáng tạo, tham mưu chính quyền địa phương xây dựng mô hình “Móc khóa tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội”. Qua nguồn tin người dân cung cấp, Công an xử lý 447 vụ, 1.150 đối tượng.

Nắm bắt sức lan tỏa của mạng xã hội (MXH), đầu năm 2020, Ban Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xây dựng mới 4 mô hình dân vận khéo ứng dụng MXH trong phòng chống tội phạm. Mô hình “Kết nối tuyên truyền, phòng chống tội phạm qua MXH Zalo” của Công an quận Cái Răng có 7 nhóm với 437 thành viên; mô hình “Zalo tiếp nhận tin báo, tố giác về TNXH” của Công an huyện Phong Điền có 1.086 thành viên; mô hình “Tuyên truyền phòng chống tội phạm qua MXH Zalo” của Công an phường Cái Khế (quận Ninh Kiều) có 31 nhóm với 2.179 thành viên…

Công an thành phố soạn thảo văn bản, clip nội dung tuyên truyền các quy định pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm gửi đến người dân. 

Anh Nguyễn Văn Lợi (ngụ phường Lê Bình, quận Cái Răng) cho biết, anh và một số thành viên gia đình anh tham gia nhiều nhóm Zalo do Công an các phường thiết lập và nhận được nhiều thông tin bổ ích, nhất là trong việc cảnh báo thủ đoạn tội phạm. “Tôi thường xuyên chia sẻ với bạn bè để mọi người cùng cảnh giác, khi phát hiện vụ việc nghi vấn, tôi báo tin cho cơ quan chức năng giải quyết. Theo tôi, đây là hoạt động phòng ngừa tội phạm nhanh chóng, hiệu quả”, anh Lợi nói.

Ngoài các mô hình trên, nhiều mô hình khác cũng đang phát huy tác dụng, người dân không chỉ ủng hộ chi phí xây dựng mà còn tham gia trực tiếp vây bắt tội phạm, như mô hình “Cổng rào ANTT”. Thành phố có 1.016 cổng, chi phí xây dựng gần 3 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Năm qua, người dân đã đóng cổng bắt nhiều đối tượng trộm xe, trộm cắp vặt… giao cho cơ quan Công an xử lý.

Thượng tá Nguyễn Văn Ngôn, Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an TP Cần Thơ, cho biết, qua công tác vận động, tuyên truyền, cùng với việc thực hiện nhiều mô hình dân vận khéo ý nghĩa, người dân luôn sát cánh cùng Công an, chính quyền địa phương trong đấu tranh, phòng chống tội phạm và TNXH. Góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, giữ vững ANTT cơ sở. Hiện, số lượng cơ quan doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn an toàn về ANTT tăng cao so với trước đây.

 “Xác định tầm quan trọng của công tác dân vận, nhất là trong vận động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an thành phố chủ động phối hợp với Ban Dân vận các cấp, các sở, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng nhiều mô hình dân vận khéo đạt hiệu quả; củng cố lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng. Qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT ở cơ sở và khu dân cư; quản lý giáo dục, cảm hóa người phạm tội tại gia đình và cộng đồng, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, chia sẻ thêm.

(cand.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi