Thứ Hai, 25/11/2024
Những mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Nga Sơn

 Mô hình vườn hộ ở thôn Đông Kinh, xã Nga Trường.


Cuối năm 2016, xã triển khai thí điểm mô hình liên kết khoai tây cao sản. Mặc dù mô hình được triển khai theo hình thức liên kết “4 nhà”, song để “kéo” phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nhân dân đi lên, Đảng ủy, chính quyền xã Nga Trường đã yêu cầu các cán bộ phải ra đồng “làm mẫu”.

Với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” nhiều cán bộ xã có đất ruộng đã thực hiện ký hợp đồng liên kết trồng khoai tây cao sản, tiêu biểu như gia đình anh Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã đã chuyển đổi 3 sào đất ruộng sang trồng khoai tây; chị Hoàng Thị Hoa, công chức xã gieo trồng gần 2 mẫu khoai tây trên đất bãi; chị Mai Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã và chị Hoàng Thị Thu, cán bộ khuyến nông đã chung nhau trồng 3 mẫu khoai tây... Từ việc cán bộ “đi trước, làm mẫu” và thấy được cây khoai tây mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa, nông dân trong xã đã học, làm theo. Đồng chí Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã, phấn khởi cho biết: “Mô hình trồng khoai tây cao sản với những cán bộ ra đồng “làm mẫu”, chính là cách làm “Dân vận khéo” của đảng ủy, chính quyền xã và tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Đến nay, toàn xã có hơn 60 ha khoai tây cao sản, với giá trị sản xuất trung bình 130 triệu đồng/ha/vụ 3 tháng. Từ đó, xã Nga Trường đã vươn lên trở thành một trong những điển hình của tỉnh trong chuyên canh trồng cây khoai tây cao sản nhờ liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina và Viện Nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, HTX nông nghiệp Nga Trường giữ vai trò đầu mối liên kết trong việc cung ứng giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm”.

Không chỉ xã Nga Trường, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Nga Sơn đã thực hành “Dân vận khéo” ở cơ sở thông qua các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm khai thác tiềm năng đất đai, tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Nổi bật phải kể đến vùng rau an toàn ở các xã Nga Yên, Nga Thành, cho giá trị thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng bưởi Diễn ở các xã Nga Thanh, Nga Hưng cho thu nhập 50 đến 60 triệu đồng/sào/năm; mô hình trồng thanh long ở các xã Nga Phú, Nga Văn, Nga Thiện, Nga Hưng, Nga Yên cho thu nhập 400 đến 500 triệu/ha/năm... Đi liền với đó, nhiều xã đã thực hiện quy hoạch lại đất đai, nhằm tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế trang trại quy mô lớn. Nhờ vậy mà toàn huyện đã xây dựng được 912 trang trại, trong đó có 76 trang trại chăn nuôi lợn, gà công nghiệp cho thu nhập từ 100 đến 250 triệu đồng/trang trại/năm.

Trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở luôn thực hành “Dân vận khéo” trong huy động sức dân xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong hơn 10 năm qua, nhân dân trong huyện đã hưởng ứng, tự nguyện đóng góp 81,26 tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn; ủng hộ 6.945 ngày công, tương đương 1,28 tỷ đồng; hiến 373,66 ha đất tương ứng với 130,8 tỷ đồng cho việc mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” đã hình thành trên địa bàn huyện Nga Sơn. Trong đó, mô hình “Dân vận khéo” của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được xem là điển hình trong phong trào “Năm Dân vận khéo 2020”. Nổi bật là, MTTQ đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào xây dựng khu dân cư “3 không”. Từ đó đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở cơ sở. Đến nay, toàn huyện có 91 cơ quan, đơn vị được công nhận là cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 20 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và thị trấn Nga Sơn đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa. Ngoài ra, năm 2020, MTTQ các cấp còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ phòng, chống COVID-19 được trên 1,7 tỷ đồng; quỹ ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt được gần 2 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 9 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, với số tiền 420 triệu đồng. Tương tự, Hội LHPN huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp hội cơ sở nhân rộng 34 mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Qua đó, đưa tổng số mô hình trên toàn huyện là 40 mô hình, với 2.007 thành viên tham gia. Cùng với đó, Hội LHPN huyện tiếp tục phát động phong trào xây dựng quỹ “Mái ấm tình thương” tới các cấp hội phụ nữ, với tổng số tiền quỹ quyên góp đạt 160 triệu đồng. Từ số tiền của quỹ “Mái ấm tình thương”, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 262 hộ gia đình hội viên và các cháu mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với giá trị hơn 149 triệu đồng.

Bằng việc thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Nga Sơn đã xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mô hình “Dân vận khéo” đã tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

(baothanhhoa.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi