Thứ Bảy, 28/12/2024
Dân vận khéo ở vùng đồng bào dân tộc Khmer

Nhiều công trình, phần việc nông thôn mới

Bà Dương Thị Sang, người dân tộc Khmer, ở khóm 5, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) làm nghề buôn bán ve chai, số tiền kiếm được cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày cho 3 mẹ con. Được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa đầu năm 2021, bà Dương Thị Sang rất vui mừng. Để giảm công sức lao động, tiết kiệm chi phí, trong quá trình xây dựng nhà, Ban CHQS thị trấn Tiểu Cần cử lực lượng dân quân đến phụ giúp gia đình bà Sang. “Mơ ước có được căn nhà để mẹ con che nắng, che mưa, nhưng mần mãi không đủ tiền. Nếu không có được sự giúp đỡ này thì chẳng biết đến bao giờ gia đình tui mới được ở trong căn nhà ấm cúng”, bà Dương Thị Sang rưng rưng.

 

Dân quân huyện Tiểu Cần giúp giúp đồng bào dân tộc Khmer
làm đường giao thông nông thôn


Theo Đại tá Trương Văn Thẩm, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh, đồng bào dân tộc Khmer trong toàn tỉnh chiếm khoảng 33% dân số, trong đó huyện Tiểu Cần và Trà Cú có hơn 62%, nhiều gia đình rất khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Thực hiện các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về “Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc Khmer”, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Trà Vinh; đồng thời phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Xác định xây dựng nông thôn mới là việc làm trọng tâm của công tác dân vận, Bộ CHQS tỉnh đã đề ra lộ trình, bước đi cụ thể theo 5 nhóm nội dung: Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, chuyển dịch kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; công tác giáo dục y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách hỗ trợ xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa mới; củng cố các tổ chức, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng địa bàn an toàn; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh...

Trung tá Nguyễn Văn Vũ, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tiểu Cần chia sẻ, cách đây vài năm, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện chưa được bê tông hóa nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con, nhất là vào mùa mưa gặp rất nhiều khó khăn. Với mô hình “Mỗi tuần làm một việc có ý nghĩa”, vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần, Ban CHQS huyện đều cử lực lượng xuống địa bàn để giúp bà con nạo vét kênh mương, làm đường bê tông, trồng hoa, trồng cây xanh xung quanh. Nhờ sự chung sức đó, hiện nay 100% mạng lưới giao thông trong toàn huyện đều được bê tông hóa, giao thương hàng hóa, nhu cầu đi lại của đồng bào dân tộc được nhiều thuận lợi.

Chăm lo, tạo nguồn cán bộ người dân tộc Khmer

Quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh đã làm tốt công tác quản lý đội ngũ cán bộ, chiến sĩ người dân tộc Khmer, nhất là nguồn phát triển đảng viên, đoàn viên trong công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự. Hằng năm, hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp xét, chọn, tuyển gọi những thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc Khmer vào phục vụ trong quân đội bảo đảm đúng luật. “Từ năm 2015, đến nay đã có 129 thí sinh người dân tộc Khmer được cử tuyển; đặc biệt, có 26 chiến sĩ thi đậu vào các nhà trường, học viện quân đội. Cán bộ người dân tộc Khmer có trình độ sau đại học, đại học và cao đẳng đạt 88,06%...”, Đại tá Hứa Văn Nghĩa, Phó chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh cho biết.

Công tác chính sách đối với cán bộ người dân tộc được Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất. Các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hỗ trợ cán bộ, thân nhân ốm, đau theo Thông tư số 09 của Bộ Quốc phòng luôn kịp thời, chính xác; tổ chức chu đáo các hoạt động vui chơi, thăm hỏi, tặng quà cán bộ, chiến sĩ vào các ngày lễ, tết của người dân tộc Khmer. Ngoài nguồn kinh phí từ tăng gia sản xuất, Bộ CHQS tỉnh còn tích cực vận động từ các mạnh thường quân, cùng với sự tự nguyện đóng góp của cán bộ, chiến sĩ xây hàng trăm căn nhà đồng đội tặng cán bộ người dân tộc Khmer còn khó khăn về nhà ở.

Thực hiện công tác dân vận khéo ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, từ năm 2015 đến nay, LLVT tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho hơn 370 gia đình đồng bào dân tộc khó khăn, với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 2.760 người lao động; giúp nhân dân sửa chữa, nâng cấp hơn 50km đường giao thông nông thôn; vét kênh thủy lợi nội đồng, đắp đê ngăn lũ, sửa chữa trường học dân tộc nội trú; xây dựng hơn 100 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng người có công, người nghèo. Trong tổng số 27 xã mà Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh ký kết xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 24 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Đại tá Trương Văn Thẩm, khẳng định: “Những kết quả đạt được trong công tác dân vận đã góp phần nâng cao đời sống, vật chất của đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng; tạo động lực để người dân các dân tộc trên địa bàn cùng chung sức xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng phát triển, văn minh”.

(qdnd.vn)


Gửi cho bạn bè