Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện miền núi Hướng Hóa, việc trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con xóa đói giảm nghèo luôn là bài toán khó đòi hỏi phải có những cách làm hay, phù hợp. Mới đây nhất, tại các bản làng đồng bào DTTS thuộc xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, mô hình trồng lúa nước được Hội Nông dân xã triển khai bước đầu đem lại những tín hiệu tích cực, mở ra hướng canh tác hiệu quả cho người dân ở đây.
|
Hội Nông dân xã Tân Tập hướng dẫn người dân về cách chăm sóc lúa nước |
Các bản: Làng Vây, Bù và Cồn, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Người dân nơi đây phần lớn là đồng bào DTTS, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy và trồng lúa. Hiện nay, tổng diện tích lúa nước của 3 bản là 23,7 ha. Tuy nhiên, đa số ruộng của bà con là ruộng bậc thang, diện tích manh mún, nhỏ lẻ; việc sản xuất, canh tác lúa của bà con ở đây còn theo phương thức truyền thống. Nắm bắt được điều này, từ năm 2019, Hội Nông dân xã đã bắt tay vào vận động, hỗ trợ bà con nông dân thực hiện mô hình trình diễn thâm canh một số giống lúa chất lượng cao như: Thiên ưu 8, Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1. Qua hơn 2 năm triển khai, mô hình đã đem lại những kết quả khả quan.
Gia đình anh Hồ Văn Khởi ở bản Làng Vây trồng 5 sào ruộng nước. Trước đây, cũng như những gia đình trong bản, gia đình anh Khởi trồng lúa theo phương thức truyền thống. Năng suất trông chờ vào sự thuận lợi của thời tiết nên năm được năm mất. Nguồn giống lấy từ giống lúa đã canh tác những vụ lúa trước để lại. Kết quả lúa sản xuất ra không đủ ăn. Tuy nhiên, từ vụ đông xuân năm nay, gia đình anh Khởi được Hội Nông dân xã vận động trồng thử nghiệm giống lúa mới, hướng dẫn anh cách trồng trọt, chăm sóc theo khoa học kỹ thuật nên đến nay 5 sào ruộng nước của gia đình anh lên xanh tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Dẫn chúng tôi đi thăm những thửa ruộng đang thời kỳ trổ đồng, anh Khởi vui mừng chia sẻ: “Lúc đầu nghe cán bộ Hội Nông dân xã tuyên truyền về việc thay đổi giống lúa, chúng tôi không muốn làm theo. Vì lâu nay trồng giống lúa cũ quen rồi, sợ giống mới không thích hợp. Sau cán bộ đến tận nhà, đưa giống đến, hướng dẫn chi tiết nên bón phân cho lúa vào thời kỳ nào, chăm sóc, nhổ tỉa thì không dùng tay mà dùng móc dặm; tuyệt đối không sử dụng phân hóa học để đảm bảo an toàn. Tôi cứ làm theo nhưng vẫn lo không được mùa. Nhưng bây giờ, lúa lên cao, trổ bông rất đều, tôi tin chắc chắn năm nay lúa sẽ đem lại năng suất cao. Tôi rất mừng và sau vụ lúa này thành công, chúng tôi sẽ trồng lúa như cách mà cán bộ nông dân đã hướng dẫn”.
Năm 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đảng ủy xã về triển khai kế hoạch của Ban Dân vận Huyện ủy Hướng Hóa về việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, Hội Nông dân xã Tân Lập đã triển khai xây dựng mô hình trình diễn thâm canh giống lúa Thiên ưu 8 và Bắc thơm số 7 có năng suất, chất lượng cao ở 2 bản Cồn và Bù. Quá trình triển khai, Hội Nông dân xã Tân Lập đã tuyên truyền, vận động cán bộ hội từ xã đến thôn, bản tích cực làm trước. Sau công tác vận động, việc bắt tay vào thực hiện mô hình cũng phải được thực hiện theo phương thức cầm tay chỉ việc. Trong quá trình thực hiện mô hình, Hội Nông dân xã Tân Lập đã tổ chức tập huấn cho 65 hội viên ở hai bản về quy trình ngâm ủ giống, kỹ thuật dặm lúa bằng mốc dăm, liều lượng và thời gian bón phân, nhận biết dấu hiệu sâu bệnh… Nhờ hướng dẫn người dân thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật sản xuất từ khâu chọn giống, làm đất, gieo trồng, tỉa dặm, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đến cuối mỗi vụ thu hoạch, năng suất lúa từ các mô hình này đem lại kết quả khả quan, từ 40 tạ/1ha tăng lên 70 tạ/1ha.
Vụ đông xuân năm 2020-2021, Hội Nông dân xã Tân Lập tiếp tục triển khai mô hình dân vận khéo thâm canh giống lúa mới có năng suất chất lượng cao tại bản Làng Vây trên diện tích 2.500 m2 với giống lúa Hương thơm số 1. Nói về những việc cần làm trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết: “Nhờ làm tốt công tác dân vận khéo nên thời gian qua, những mô hình trình diễn giống lúa chất lượng cao tại các bản làng có đông người đồng bào DTTS sinh sống của xã đã phát huy kết quả khả quan. Phát huy những kết quả đạt được từ mô hình này, thời gian tới, Hội Nông dân xã Tân Lập sẽ thực hiện nhiều mô hình khác nhằm giúp bà con có năng suất cao, thu nhập kinh tế ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với bà con vùng đồng bào DTTS”.
Đánh giá cao về những mô hình mà Hội Nông dân xã đã triển khai, đồng chí Hoàng Dũng Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, cho rằng: “Hội Nông dân đã phát huy được vai trò trong công tác dân vận, giúp bà con tiếp cận được khoa học kỹ thuật, để ngày càng có năng suất cao trong sản xuất, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ chỉ đạo Hội Nông dân tiếp tục nhân rộng các mô hình, đặc biệt là mô hình sản xuất trong đồng bào DTTS”.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, Hội Nông dân xã Tân Lập đã khắc phục được tình trạng ruộng đất bỏ hoang, giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác của mình. Quan trọng hơn, việc làm này đã nâng cao nhận thức của bà con vùng đồng bào DTTS trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại huyện miền núi Hướng Hóa.
(baoquangtri.vn)