Những
năm qua, việc triển khai thực hiện công tác dân vận ở tỉnh Nam Định đã
góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan,
đơn vị và chính quyền các cấp. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được
đẩy mạnh, nhất là phong trào "Dân vận khéo" trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
|
Xã Điền Xá (Nam Trực) thực hiện tốt công tác dân vận, huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn. |
Vai trò, trách nhiệm và tinh thần làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân được phát huy, khẳng định hình ảnh người cán bộ, công chức “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Mối quan hệ giữa chính quyền với các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân ngày càng gắn bó. Các mối quan hệ xã hội trong đời sống sinh hoạt ở khu dân cư phát triển theo chiều hướng tích cực, củng cố được niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp. Hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân được nâng cao..., góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Huyện Nam Trực có nhiều điển hình, mô hình làm kinh tế giỏi. Trong đó, các điển hình đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương, đơn vị, tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển nghề, làng nghề, tạo việc làm mới; giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như cựu chiến binh Vũ Đức Bỉnh, Đỗ Văn Vinh ở xã Nam Thái thành lập công ty xây dựng giải quyết việc làm cho trên 50 lao động trong đó chủ yếu là con em cựu chiến binh và cựu quân nhân. Mô hình phát triển nghề đan cói và cung cấp cói của chị Nguyễn Thị Hợi, thôn Đô Đò, xã Nam Lợi tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập từ 80 đến 200 nghìn đồng/ngày.
Nhiều mô hình điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động chính quyền các cấp gắn với cải cách hành chính, rèn luyện tác phong của cán bộ công chức với phương châm “trọng dân, gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”... Qua đó đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động, hướng dẫn nhân dân giám sát các hoạt động của các cơ quan Nhà nước theo quy định, đồng thời vận động nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền các cấp. Điển hình là mô hình chi bộ Ngưu Trì, xã Nam Cường đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, hiến của, hiến công để làm đường, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Vinh đã hiến 60m2 làm đường liên thôn, sau đó lại tiếp tục hiến 40m2 đất làm đường liên xóm, đến nay con đường đã đi vào sử dụng, thuận lợi cho giao thương buôn bán, quang cảnh sạch đẹp, nhân dân rất khấn khởi. Qua việc vận động của cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ xây dựng nông thôn mới, hệ thống chính trị của thôn Ngưu Trì đã phát huy được sức mạnh của tập thể, đồng lòng chung sức với nhân dân và được nhân dân ủng hộ cao, chi bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh.
Kết quả triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng điển hình được các cấp ủy đảng, chính quyền tích cực chỉ đạo. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 16-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các mô hình “Dân vận khéo” vận động nhân dân trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế, giảm nghèo; phát triển văn hóa - xã hội - giáo dục; bảo vệ môi trường; bảo vệ an ninh - trật tự an toàn xã hội; xây dựng cơ bản; hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng tại các địa phương, cơ sở tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả. Qua đó đã đưa phong trào “Dân vận khéo” phát triển sâu rộng, đi vào đời sống xã hội, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực đóng góp tài lực góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở các địa phương.
Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phát động nhiều phong trào thi đua gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tổ chức ký giao ước thi đua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cụ thể hóa theo yêu cầu của từng tổ chức, đoàn thể. MTTQ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”. Hội Nông dân với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”. Hội Cựu chiến binh với phong trào “Hội Cựu chiến binh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường”, xây dựng các mô hình “Tổ cựu chiến binh vì dân”, “Tổ cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường”, “Tủ sách cựu chiến binh”. Liên đoàn Lao động với phong trào “Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”. Hội Phụ nữ các cấp với mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường làng nghề”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Đoàn Thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ Nam Định chung tay xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản, cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp”... Những kết quả đạt được trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, đơn vị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào có đạo, công nhân ở các khu công nghiệp trong giải quyết các “điểm nóng” phức tạp, bức xúc nổi cộm; trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân. Hệ thống công tác dân vận tăng cường nghiên cứu, tham mưu giúp cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả./.
(baonamdinh.vn)