Ở
xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Ðồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) ai cũng quý
mến, tin tưởng trưởng xóm Dương Văn Sình, người dân tộc Mông. ông Sình
luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội do địa phương
phát động, phát huy tốt vai trò của người đứng đầu trong mọi công việc
của xóm, vận động người dân tích cực lao động, sản xuất, đoàn kết xây
dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
|
Trưởng xóm Dương Văn Sình (người thứ ba từ phải sang) trao đổi kinh nghiệm vận động quần chúng
với các cán bộ làm công tác dân vận tỉnh Thái Nguyên.
|
Nằm ở ven quốc lộ 1B chạy từ TP Thái Nguyên lên tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm huyện gần 10 km, xóm Trung Sơn nằm ở vùng bán sơn địa, địa hình là đồi núi, đồng bãi không bằng phẳng, nhưng trưởng xóm Dương Văn Sình luôn sát cánh cùng người dân hướng dẫn cách phát triển kinh tế, biến điểm bất lợi thành lợi thế. Ông Sình chia sẻ, trước đây, kinh tế của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao ở Trung Sơn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cấy lúa, trồng ngô, do không chủ động được nguồn nước tưới cho nên năng suất thấp, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Muốn giúp bà con thoát nghèo phải tìm được giống cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ lợi thế nằm giáp ranh với xã La Hiên, huyện Võ Nhai, vùng trồng na nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, cho nên bà con Trung Sơn đã mạnh dạn đưa cây na về trồng trên đồng đất của địa phương mình. Tuy nhiên, sau một thời gian trồng, kết quả na trồng ở Trung Sơn quả nhỏ, chất lượng không được như ở La Hiên vì chưa biết cách chăm sóc. Vậy là trưởng xóm Dương Văn Sình dành tâm huyết và thời gian tìm hiểu kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc những loại cây trồng mới ở xã La Hiên. Sau đó, ông trực tiếp phổ biến, hướng dẫn bà con phát triển loại cây ăn quả này đúng cách, cho năng suất cao. Ðến nay, có 80% số hộ trong xóm trồng na và chất lượng na Trung Sơn không thua kém na La Hiên nổi tiếng bấy lâu.
Ông Sình vận động thanh niên, người trong độ tuổi trong xóm đi làm công nhân để có việc làm và thu nhập ổn định. Người dân tộc Mông, Nùng, Dao trong xóm vốn ngại tiếp xúc với bên ngoài, cho rằng làm công nhân khó, đòi hỏi kỹ thuật cho nên không làm được. Trưởng xóm Sình đã kiên nhẫn thuyết phục: "Người dân các nơi khác làm được, mình không đi sao biết không làm được, cứ thử đã". Nghe lời trưởng xóm, lại được sự kết nối của chính quyền địa phương, nhiều thanh niên, người trong độ tuổi lao động đã đi đến các nhà máy may, nhà máy sản xuất gạch, nhà máy sản xuất xi măng trên địa bàn, được tập huấn kỹ thuật cho nên họ lần lượt trở thành công nhân, có việc làm và thu nhập ổn định từ sáu đến bảy triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, cả xóm hiện chỉ còn năm hộ nghèo. Trung Sơn phấn đấu đến hết năm 2021 giúp thêm hai hộ thoát nghèo.
Không chỉ hướng dẫn bà con làm kinh tế, ông Sình còn là người duy trì sự đoàn kết ở Trung Sơn. Gia đình nào lục đục, hộ trong xóm mâu thuẫn với nhau, ông đều có mặt để hòa giải. Trung Sơn có 110 hộ gia đình với nhiều dân tộc cùng sinh sống, gắn với nhiều nét văn hóa khác nhau, nhưng cả xóm đều đoàn kết thống nhất, chia sẻ khó khăn, cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa mới, đồng thời đồng lòng xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu…
Khi nói về trưởng xóm Dương Văn Sình, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên Vũ Minh Tuấn nhận xét: "Những thành quả mà Trung Sơn đạt được ngày hôm nay, có dấu ấn của trưởng xóm Dương Văn Sình. Với những đóng góp của mình, ông được cấp ủy, chính quyền từ xã đến tỉnh biểu dương, tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Ông cũng là tấm gương tiêu biểu, người có uy tín điển hình trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn".
(nhandan.com.vn)