Thứ Sáu, 19/4/2024
Bắc Giang: Nhân rộng phong trào "Dân vận khéo" từ các mô hình tiêu biểu

Mô hình sát thực tiễn

Thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, những ngày này, đồng chí Dương Văn Luyến, Bí thư Chi bộ, đồng thời cũng là tổ trưởng Tổ Covid-19 cộng đồng của thôn Ngùi, xã Việt Ngọc, Tân Yên (Bắc Giang) cùng các thành viên trong Tổ luôn tất bật với việc chung của xóm làng.

 

Các thành viên trong Tổ Covid-19 cộng đồng thôn Ngùi, xã Việt Ngọc (Tân Yên) tuyên truyền,
nhắc nhở hộ dân diện cách ly chấp hành các quy định phòng dịch.


Đồng chí chia sẻ: Do địa bàn thôn rộng với gần 400 hộ, khi xảy ra dịch bệnh, mỗi ngày mọi người đều ra khỏi nhà từ sáng sớm để tham gia điều tra, truy vết, lập danh sách các F; tuyên truyền, giám sát người dân chấp hành quy định về phòng, chống dịch; vận động nhân dân ủng hộ các nhu yếu phẩm phục vụ công tác này.

Qua trò chuyện với đồng chí Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tân Yên được biết, toàn huyện hiện đã thành lập hơn 1 nghìn tổ Covid-19 cộng đồng ở 100% thôn, tổ dân phố với gần 6,5 nghìn thành viên. Ngoài việc tuyên truyền phòng, chống dịch, đây cũng là cầu nối giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó kịp thời xử lý những vấn đề nảy sinh tại cộng đồng.

Cuối năm 2020, xã Tiên Lục (Lạng Giang) đã hoàn tất các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng chí Hoàng Văn Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Xác định công tác dân vận là một trong những yếu tố quyết định để huy động sức dân, Đảng bộ xã đã đăng ký thực hiện mô hình vận động nhân dân cùng thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Thực hiện mô hình, Khối Dân vận xã tích cực triển khai đến 9 tổ dân vận ở các thôn về chủ trương, cách thức triển khai.

Các tổ dân vận đã phát huy vai trò trong việc vận động người dân cải tạo cảnh quan môi trường nơi sinh sống, mua sắm các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đơn cử như ở thôn Cầu Gỗ Tám Sào năm qua, các hộ dân đã hăng hái chung sức với cấp ủy, chính quyền góp hàng trăm triệu đồng xây mới nhà văn hóa rộng hơn 450m2, lắp điện chiếu sáng đường nội thôn, trồng thêm hoa, cây xanh... Qua đó góp phần giúp xã hoàn thành 14/14 tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Hay như với tinh thần tất cả vì việc chung, những năm qua, nhiều hộ ở bản Tam Kha, xã Xuân Lương (Yên Thế) đã tích cực hiến đất xây dựng các công trình công cộng. Để bà con đồng thuận hiến đất, các thành viên trong Tổ đến từng nhà tuyên truyền, giải thích. Bản thân đồng chí Tổ trưởng dân vận của bản đã tự nguyện hiến hơn 460 m2 đất. Thấy cán bộ, đảng viên "miệng nói, tay làm", những hộ khác cũng tự giác làm theo".

Nhân rộng điển hình

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho hay: Việc triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo", là một trong những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 110 của Đảng bộ tỉnh về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. 

Từ định hướng chung của tỉnh, Ban Dân vận các huyện, thành ủy đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp quan tâm xây dựng các mô hình, điển hình "dân vận khéo" theo phương châm sát thực tiễn. Nhờ vậy giúp phong trào ngày càng lan tỏa đi vào đời sống.

Nét nổi bật trong đăng ký là nhiều cấp ủy cơ sở đã lựa chọn mô hình DVK gắn với các nhiệm vụ trọng tâm. Thông qua việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng những việc cụ thể như: Tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình công cộng; phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường...

Các thành viên trong Tổ Covid cộng đồng thôn Ngùi, xã Việt Ngọc (Tân Yên) tuyên truyền, nhắc nhở hộ dân diện cách ly chấp hành các quy định phòng dịch.

Hiện nay, các huyện, thành ủy đang duy trì thực hiện gần 5 nghìn mô hình DVK trên tất cả các lĩnh vực. Tính riêng 3 năm qua, các tổ dân vận đã vận động tổ chức, cá nhân hiến hơn 200 nghìn m2 đất và hàng vạn ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Điển hình như Tổ dân vận thôn Đồng Khánh, xã Tư Mại (Yên Dũng) đã vận động 20 hộ dân hiến 1 nghìn m2 đất và hơn 50 triệu đồng làm đường bê tông; mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp vườn đồi của anh Bùi Văn Thiêm, tổ dân vận thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm (Lạng Giang) cho thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng...

Nhiều cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an phường, xã tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân thông qua mô hình tổ liên gia tự quản... Đơn cử như tại khu vực bến phà Chi Ly, phường Trần Phú (TP Bắc Giang), từ một địa bàn phức tạp, đến nay tệ nạn ma túy tại khu vực này đã giảm đáng kể. Từ năm 2020 đến nay, số vụ phạm tội về ma túy tại đây chỉ còn 8 vụ.

Để phát huy hiệu quả, vai trò hoạt động của các mô hình dân vận, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Ban dân vận các cấp sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới. Gắn thực hiện học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phong trào thi đua "Dân vận khéo"; chú trọng nhân rộng các mô hình tham gia giải quyết những vấn đề bức thiết của nhân dân.

(baobacgiang.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất