|
Hoàn thiện các công trình giao thông nông thôn ở xã Đại An, huyện Thanh Ba. |
Nhân lên cách làm hay, kinh nghiệm quý
Thanh Ba là một trong 13 huyện, thành, thị của Phú Thọ, đã thành công lớn trong việc dồn điền đổi thửa, tạo đột phá để tiến hành sản xuất nông nghiệp trọng điểm theo hướng hàng hóa. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công đó là công tác dân vận được các cấp ủy, chính quyền triển khai quyết liệt và hiệu quả.
Chí Tiên là một trong những xã của huyện Thanh Ba sớm hoàn thành dồn điền đổi thửa với gần 35 ha, thu gọn 900 thửa nhỏ lẻ xuống còn 300 thửa ruộng và được quy hoạch hiện đại với đường đi song song với mương tưới tiêu. Thành công này phải nói đến sự quyết tâm cao và các biện pháp “Dân vận khéo” của Đảng ủy, chính quyền xã.
Đồng chí Nguyễn Viết Chí, Bí thư chi bộ khu 7 xã Chí Tiên chia sẻ, khu 7 có số hộ dân và số lượng thửa ruộng cần dồn đổi lớn nhất xã với 144 hộ và 241 thửa, nên công tác dồn đổi gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều cuộc họp thôn, xóm, kết hợp Ban Công tác Mặt trận xã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu, thậm chí để chứng tỏ vai trò nêu gương, ông Chí còn cùng các cán bộ khu tự nhận những thửa ruộng bà con không muốn nhận. Kết quả, nhân dân nhất trí đóng góp công sức, đất đai và tiền bạc để dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại mạng lưới giao thông nội đồng…
Theo lãnh đạo xã Chí Tiên, quá trình dồn điền đổi thửa của xã gặp không ít khó khăn. Chủ yếu do đất lúa và đất màu xen kẽ, nhiều diện tích dôi dư chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc đó, vai trò của các Bí thư chi bộ trong việc vận động nhân dân là rất quan trọng. Xã đã tổ chức làm điểm rồi nhân rộng ra toàn xã. Tất cả chỗ thấp, chỗ cao đều san bằng rồi chia lại theo hình thức bốc thăm. Diện tích các hộ đều được chia công bằng, ruộng nhà nào cũng giáp đường, giáp mương nên nhân dân rất hồ hởi.
Chia tay xã Chí Tiên, phóng viên tìm về xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy. Đi trên tuyến đường liên khu, liên xóm rộng thênh thang, phẳng lì với những hàng hoa chiều tím nở đều, đẹp mắt; những cánh đồng trải dài mênh mông…, mới cảm nhận rõ sự đổi thay của một xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Tần phấn khởi cho biết, những thành quả này, có sự đóng góp quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Xác định công tác dân vận khéo là một trong những yếu tố quyết định sự thành công. Do đó, cán bộ dân vận bằng sự kiên trì, mềm dẻo, đã vận động người dân hiến đất làm đường, kênh mương, vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh, xây nhà văn hóa; thực hiện tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ. Các mô hình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề được triển khai sâu rộng... Nhờ đó, xã đã nhanh chóng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017 và đang tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí…
Đồng chí Lê Quốc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy khẳng định, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Thủy đã quyết tâm, nỗ lực không ngừng, tập trung cao hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã, huyện nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay diện mạo nông thôn mới của huyện có sự thay đổi căn bản, toàn diện; kinh tế phát triển nhanh, cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch đúng hướng. Đồng thời, văn hóa - xã hội có chuyển biến rõ nét, chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa thông tin được nâng lên, an sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao.
Tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình xây dựng nông mới tại huyện đạt trên 1.972 tỷ đồng; trong đó công tác dân vận đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì thế, ngày 18/12/2020, Thanh Thủy được Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Phú Thọ hiện có hơn 6.020 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 4.066 mô hình tập thể, 1.955 mô hình cá nhân. Các mô hình, điển hình đã và đang phát huy tác dụng tốt, khơi dậy nội lực trong nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của các địa phương, đơn vị, ở từng ngành, lĩnh vực.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai trọng tâm hướng về cơ sở với trên 2.174 mô hình. Nhiều mô hình được nhân rộng thành phong trào như: Mô hình sản xuất cây rau, hoa quả sạch tại các huyện Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Thủy và thành phố Việt Trì; vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn kết hợp đưa giống lúa lai vào sản xuất cho năng suất cao tại các huyện Thanh Ba, Lâm Thao, Tam Nông. Nhiều cách làm hay, sáng tạo đã mang lại hiệu quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Đến thời điểm này, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Con số này cao hơn so với mục tiêu 57 xã mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trước 3 năm.
Một trong những dấu ấn nổi bật của phong trào thi đua “Dân vận khéo”ở Phú Thọ là việc xuất hiện những mô hình, điển hình giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong lực lượng vũ trang nhân dân. Lực lượng công an nhân dân đã duy trì và xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; duy trì mô hình diễn đàn “Công an lắng nghe nhân dân”; “Dân vận khéo” trong vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng quân đội tích cực giúp đỡ nhân dân giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh…
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Thọ khẳng định, trong những năm qua, phong trào thi đua "Dân vận khéo” được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện cụ thể, thiết thực, với phương châm hướng về cơ sở. Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo" đã khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân trong lao động sản xuất, kinh doanh; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và đã hoàn thành mục tiêu trước 3 năm.
Thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục đổi mới công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong thực hiện công tác dân vận.
Song song với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
(TTXVN)