Gần 20 năm tham gia công tác hòa giải, anh Vũ Văn Tiến (thôn Đông, xã Khả Phong) đã cùng các hòa giải viên hòa giải thành hàng chục vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, kể cả những mâu thuẫn tưởng chừng rất khó giải quyết vì liên quan đến mưu sinh của các bên tranh chấp. Đã thành kinh nghiệm thiết thực, mỗi khi nghe tin ở đâu có phát sinh mâu thuẫn, các hòa giải viên lập tức có mặt, nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân, nắm bắt tình tiết vụ việc, gặp gỡ, phân tích đúng, sai, giải tỏa bức xúc, nóng giận của đôi bên. Từ những lời lẽ phân giải nhẹ nhàng, hợp tình, hợp lý của hòa giải viên, các bên mâu thuẫn đã bình tĩnh nhìn nhận sự việc, xác định rõ đúng sai, phải trái, từ đó tự giác xin lỗi lẫn nhau và cam kết xử lý ngay những vướng mắc, băn khoăn, giải tỏa những hiểu lầm, bức xúc, không để ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của bản thân, gia đình, cũng như tình cảm đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân cư.
|
Tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận “một cửa” ở xã Thanh Sơn (Kim Bảng). |
Hòa giải viên Vũ Văn Tiến tâm sự: Để hòa giải thành các vụ việc, mỗi hòa giải viên phải thường xuyên tự bổ sung, trau dồi kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền thuyết phục, khả năng nhận định chính xác bản chất vụ việc, đối tượng để có biện pháp hòa giải đúng, trúng, phù hợp. Cùng với đó, hòa giải viên cũng phải khéo léo tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của những người có uy tín trong gia đình, dòng họ và đại diện ban, ngành, đoàn thể trong quá trình thuyết phục, hòa giải các bên.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy xã Khả Phong cho biết: Toàn xã hiện có 4 tổ hòa giải thuộc 4 thôn. Giai đoạn 2015- 2019, Khả Phong đã từng có thời gian phát sinh hàng trăm đơn thư, vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), vệ sinh môi trường, hôn nhân gia đình… Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã đặc biệt chú trọng quan tâm, tạo điều kiện để các tổ hòa giải phát huy vai trò, chức năng tham gia xử lý mâu thuẫn phát sinh ngay từ địa bàn cơ sở. Kết quả thông qua công tác “Dân vận khéo” kết hợp với hoạt động hòa giải ở cơ sở, các cấp, ngành, đoàn thể đã hòa giải thành hơn 90% số vụ việc. Một số vụ việc phức tạp liên quan đến GPMB dự án Tam Chúc được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành liên quan phối hợp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, xã Khả Phong đã hòa giải thành 100% vụ việc ngay tại cơ sở. Từ địa phương được coi là “điểm nóng” của huyện về tranh chấp đất đai, khiếu nại đông người, đến nay Khả Phong đã không còn đơn thư tồn đọng, các vụ việc mới phát sinh được giải quyết dứt điểm, kịp thời, bảo đảm giữ vững ổn định an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội.
Theo báo cáo của Phòng Tư pháp huyện Kim Bảng, hiện nay toàn huyện đang duy trì 85 tổ hòa giải với 412 hòa giải viên hoạt động đều khắp ở các địa bàn thôn, tổ phố. Các tổ hòa giải hoạt động đúng quy chế với chất lượng, hiệu quả ngày càng nâng cao, bảo đảm mục tiêu trong công tác hòa giải theo phương châm: “Việc phức tạp thành đơn giản”, “Việc to thành việc nhỏ, “Việc nhỏ thành không có”, giải quyết kịp thời mâu thuẫn, tranh chấp, giữ vững ổn định an ninh trật tự, gắn kết tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình, anh em, bè bạn. Đội ngũ hòa giải viên phần lớn là cán bộ chủ chốt, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhiệt tình, trách nhiệm, có kỹ năng, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động, thuyết phục và được nhân dân bầu chọn công khai, dân chủ.
Để nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, hằng năm Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ hòa giải bảo đảm số lượng, chất lượng. Cùng với đó, tổ chức một số hoạt động phù hợp nhằm tạo điều kiện để đội ngũ hòa giải viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, như: hội thi hòa giải viên giỏi; giao lưu, học tập cách làm hay, sáng tạo của những điển hình trong công tác hòa giải. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các mô hình điểm: “Dân vận khéo trong công tác hòa giải tại thôn Mã Não” (xã Ngọc Sơn), “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải” (tại xã Thi Sơn, xã Khả Phong), từ đó rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.
Hằng năm, Phòng Tư pháp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giúp đội ngũ hòa giải viên cập nhật kiến thức mới, nắm vững quy định của pháp luật, nhất là những quy định pháp luật mới ban hành để vận dụng vào thực tế công tác hòa giải ở cơ sở. 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện đã mở 73 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ban, ngành, đoàn thể và đội ngũ hòa giải viên; cung cấp 5.656 bản tài liệu nghiên cứu, tham khảo, trong đó 3.936 bản tài liệu cung cấp cho cán bộ xã, thị trấn và các tổ hòa giải. Các tổ hòa giải trên địa bàn huyện tiếp nhận 74 vụ việc, đã hòa giải thành 64 vụ việc, đạt tỷ lệ 86,4%. Nhiều xã, thị trấn hòa giải thành 100% vụ việc, điển hình như: xã Tượng Lĩnh hòa giải thành 11/11 vụ việc, xã Ngọc Sơn hòa giải thành 8/8 vụ việc...
Nhờ làm tốt công tác hòa giải ngay tại cơ sở nên đã hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Năm 2020, số lượt công dân đến phòng tiếp dân của huyện, xã, thị trấn khiếu tố, đề nghị giảm 28,7%; đơn thư tiếp nhận giảm 2,1% (so với cùng kỳ năm 2019). An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, tạo tiền đề quan trọng để Kim Bảng hoàn thành xuất sắc mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, liên tục nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Thời gian tới, cùng với tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Kim Bảng sẽ tập trung hướng dẫn, cụ thể hóa quy trình bầu hòa giải viên ở cơ sở (tại hội nghị thôn, tổ phố). Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên, nhân dân gắn với bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ hòa giải viên có trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục theo phương châm: “Nói để dân nghe, dân hiểu, dân tin, dân làm theo”. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, bám sát địa bàn, phát huy vai trò của ban công tác mặt trận, chi hội đoàn thể, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết ngay những vấn đề phát sinh ở khu dân cư. Mặt khác, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phong trào xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị văn hóa, gìn giữ, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, hạn chế mâu thuẫn tranh chấp trong gia đình, cộng đồng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, phấn đấu xây dựng huyện Kim Bảng trở thành thị xã trước năm 2025.
(baohanam.com.vn)