Chủ Nhật, 24/11/2024
Cựu chiến binh “vác tù và hàng tổng”

Không được trả lương, hoàn toàn tình nguyện bỏ công sức và chi phí để làm việc, không kể nắng hay mưa, đều đặn từ 7h30 sáng đến 17h30 chiều mỗi ngày, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Nam (sinh năm 1954) lại dắt xe rời nhà để bắt đầu công việc tuyên truyền lưu động. Khác với cách tuyên truyền lâu nay mọi người vẫn làm là sử dụng hệ thống loa truyền thanh, tổ chức hội nghị hay phát tờ rơi, pa-no, áp phích.... ông Nam chọn cách đi xe máy làm tuyên truyền lưu động.

Trên chiếc xe máy được gắn tăng âm, loa đài, biển hiệu, hình ảnh cựu chiến binh Nguyễn Tiến Nam đi tuyên truyền bầu cử, phòng, chống dịch Covid-19 đã trở nên quen thuộc với người dân nhiều tuyến phố của phường Liên Bảo suốt nhiều tháng qua. Tiếng loa đi tới đâu ai nấy đều biết ngay là ông Nam tới đó, hễ có trường hợp nào chưa chấp hành, lập tức sẽ được ông Nam nhắc nhở ngay.

Thông tin tuyên truyền được ông Nam tự biên tập, thu và phát thanh, trang thiết bị tăng âm loa đài cũng do ông tự đầu tư. Ngoài những thông tin có nội dung tuyên truyền sâu về các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các văn bản, chỉ thị của cấp trên, ông Nam còn khéo léo đưa thêm những bài hát cổ động, xen lẫn tin tức mới khiến tất cả mọi người đều cảm thấy hứng thú.

Thời gian đầu mới “vào việc”, vì lo lắng cho sức khỏe của ông nên gia đình luôn can ngăn, còn nhiều người dân trong khu phố thì nói ông là gàn dở, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Giờ đây, thấy việc làm ý nghĩa nên vợ con ông đều ủng hộ. Còn ở khu phố, đến đâu ông Nam cũng nhận được lời chào hỏi niềm nở đầy sự yêu mến của mọi người.

Kể về cơ duyên và động lực để ông tình nguyện làm “tuyên truyền viên”, ông Nam cho biết: Thuở còn là thiếu niên, ông đã tham gia công tác thông tin trực chiến tại địa phương. Có lẽ cơ duyên ban đầu này đã giúp ông biết đến công việc truyền tải thông tin.

Tình nguyện nhập ngũ năm 1974, sau giải phóng miền Nam năm 1975, ông bị thương, được giải ngũ về quê với chế độ thương binh 3/4. Trở về quê hương mang trong mình thương tích của chiến tranh, nhưng ông cho rằng, bản thân còn may mắn hơn nhiều đồng đội. Ông tâm sự: “Đồng đội tôi, nhiều người đã ngã xuống cho nền độc lập, hòa bình của đất nước hôm nay. Có người đến bây giờ vẫn còn nằm lại đâu đó trên chiến trường. Tôi tự dặn mình phải cố gắng nhiều hơn nữa không phải vì bản thân mình mà cả vì những người đã ngã xuống”.

Cùng với công việc của một tuyên truyền viên, ông Nam còn cùng với các thành viên trong tổ tình nguyện đi vận động hàng xóm, người dân trong phường giữ gìn vệ sinh chung, thực hiện 5K, đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, hạn chế tới chỗ đông người, không đi đâu xa để tránh lây nhiễm. Với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, ông Nam tìm gặp trực tiếp từng người dân từ vùng dịch về, giải thích, vận động mọi người tự giác thực hiện quy định chung phòng, chống dịch Covid để tránh nguy cơ lây nhiễm. Ông còn tham gia trực chốt kiểm soát y tế, đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn mọi người cách phòng, chống dịch. Ông Nam tâm sự: Sức khỏe còn cho phép sẽ tiếp tục cùng các cấp, hội bảo vệ an toàn cho nhân dân, bảo vệ thành quả kinh tế, xã hội của địa phương.

Gần 70 tuổi, nhiều người hỏi ông có sợ dịch không, ông cười: “Dịch bệnh không lo là không đúng. Nhưng tôi là bộ đội, ngày xưa xông pha trận mạc giữa bom rơi đạn lạc còn không quản ngại, nay đất nước, quê hương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, mình còn làm được gì thì sẽ làm hết sức. Đem lại hạnh phúc cho bà con là niềm hạnh phúc của những người lính chúng tôi”.

Trong trận chiến chống dịch bệnh lần này, trên tay ông không còn là súng đạn, quân trang, mà là máy đo thân nhiệt, là bình khử khuẩn, là chiếc xe máy Dream cũ cùng bộ loa di động. Ông nhớ lại, khoảng đầu tháng 5 năm 2021, khi Vĩnh Yên bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, việc đầu tiên ông làm là lập tức thông báo, trấn an người dân. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, công tác bảo đảm lương thực, thuốc men cho người dân là quan trọng nhất. Với tinh thần “tương thân tương ái”, ông đứng ra kêu gọi gia đình, bạn bè, người thân, các mạnh thường quân ủng hộ lương thực, thực phẩm cho 12 hộ khó khăn trong tổ, trao tặng hàng trăm hộp khẩu trang, nước sát khuẩn, mỳ tôm, sữa cho các bác sỹ, chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch.

Trò chuyện với tôi về những đóng góp của ông Nam, bà Nguyễn Thị Tình, người cũng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, đồng hành cùng ông Nam trong mỗi công việc của địa phương, chân thành nói: “Ông Nam làm công tác tuyên truyền hoàn toàn tự nguyện mà không đòi hỏi gì. Công việc của ông đã giúp cho hệ thống tuyên truyền của phường thêm phần phong phú, dày đặc. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức thực hiện pháp luật của người dân”.

Trong công tác phòng, chống dịch lần này, ông Nguyễn Tiến Nam luôn có những đồng đội cùng sát cánh - những cựu chiến binh luôn xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Theo đồng chí Lương Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Liên Bảo, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 vào thời điểm tháng Năm, phường Liên Bảo có 15 chốt trực với 142 cựu chiến binh tham gia. “Đây là thời điểm khó khăn. Việc làm của những cựu chiến binh như ông Nam rất có ý nghĩa. Các cựu chiến binh luôn giữ tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tuy tuổi cao, chúng tôi luôn sẵn sàng đi đầu, hỗ trợ chính quyền chăm lo sức khỏe đời sống, tinh thần của bà con, sẵn sàng làm chỗ dựa cho thế hệ sau” - đồng chí Oanh chia sẻ.

Mặc dù những năm tháng trận mạc cùng gánh nặng tuổi tác khiến sức khỏe của cựu chiến binh Nguyễn Tiến Nam giảm sút, nhưng mong muốn được cống hiến trong con người ông dường như chưa bao giờ vơi cạn. Bằng những việc làm bình dị mà ý nghĩa, cùng sự gương mẫu trong đời sống, tận tâm trong công việc, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Nam không chỉ góp sức đẩy lùi đại dịch Covid-19 mà còn là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.

 Đỗ Hà

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất