|
Trung
úy Hoàng Ngọc Trung, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trung Lý (Mường
Lát)
hướng dẫn đoàn viên, thanh niên bản Khằm 2 chăm sóc vườn cây ăn quả
|
Vượt chặng đường hơn 200 km chúng tôi đã đến được địa danh Cổng Trời, thuộc xã biên giới Trung Lý (Mường Lát). Như đã hẹn, Trung úy Hoàng Ngọc Trung, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng (ĐBP) Trung Lý tận tình đón và đưa chúng tôi đến thăm một số bản đồng bào Mông mà đơn vị đang trực tiếp quản lý. ĐBP Trung Lý đứng chân trên địa bàn xã Trung Lý, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 7,7 km đường biên giới với 4 mốc quốc giới và 15 bản. Trong đó có 11 bản đồng bào Mông và 4 bản đồng bào Thái. Sống giữa núi rừng, quanh năm phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, giao thông đi lại khó khăn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ ĐBP Trung Lý vẫn ngày đêm “ba bám, bốn cùng”, vừa thực hiện nhiệm vụ giữ vững đường biên, mốc giới, vừa làm công tác dân vận “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, để giúp bà con xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy nội lực, vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Nằm trên đỉnh Cổng Trời, 3 bản Khằm 1, Khằm 2, Khằm 3 từng có thời gian dài “bịt bùng” trong đói nghèo, tệ nạn ma túy và các hủ tục lạc hậu. Song, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự giúp đỡ của ĐBP Trung Lý, đời sống của đồng bào Mông nơi đây đang đổi thay từng ngày. Gác lại công việc thăm rừng, anh Vàng A Sùng, bí thư chi bộ, trưởng bản Khằm 1, ở nhà tiếp chúng tôi. Bản Khằm 1 có 76 hộ dân, 100% là đồng bào Mông. Với giọng nói còn “lơ lớ” tiếng phổ thông, anh Vàng A Sùng chia sẻ: “Trước năm 2010, bà con trong bản mình chưa biết trồng lúa 2 vụ, chưa biết trồng rừng nên vào mùa giáp hạt nhiều hộ dân bị đói phải ăn ngô, ăn sắn. Từ năm 2011, khi có cán bộ, chiến sĩ ĐBP Trung Lý xuống bản thành lập chi bộ đảng, hướng dẫn trồng lúa, trồng rừng thì cuộc sống của bà con dân bản đã đổi thay nhiều lắm”. Nhằm giúp đồng bào Mông trong bản Khằm 1 có thể tự túc được lương thực, Ban Chỉ huy ĐBP Trung Lý đã phân công cán bộ, chiến sĩ xuống các bản “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để hàng ngày tuyên truyền, vận động bà con khai hoang trồng lúa nước 2 vụ, trồng rừng sản xuất, trồng ngô lai theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Với sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ ĐBP Trung Lý, từ năm 2011 đến nay, bản Khằm 1 đã khai hoang được hơn 17 ha lúa nước. Bên cạnh 50 ha rừng trồng theo Dự án 147, bà con trong bản còn tập trung phát triển chăn nuôi với 130 con trâu, 68 con bò. Đồng thời, trồng thí điểm 1 ha vầu, 1 ha đào và mận Tam Hoa, đây hứa hẹn là hướng đi mới trong phát triển sản xuất của đồng bào Mông ở bản Khằm 1. Nhờ vậy, số hộ đói, hộ nghèo trong bản giảm rõ rệt qua từng năm. Trong bản chỉ còn 5 hộ nghèo và có khả năng thiếu lương thực vào mùa giáp hạt.
Trung úy Hoàng Ngọc Trung, Chính trị viên phó ĐBP Trung Lý cho biết thêm: “Hàng năm, Ban chỉ huy ĐBP Trung Lý chủ động phân công cán bộ, chiến sĩ phụ trách các bản. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phối hợp với các chi bộ bản xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng. Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, trong đó, tập trung vào nhiệm vụ trồng rừng sản xuất, trồng lúa nước 2 vụ, phòng chống tội phạm ma túy, giữ gìn an ninh trật tự. Đơn cử như tại 3 bản Khằm 1, Khằm 2, Khằm 3, vào năm 2010, diện tích lúa nước chỉ có gần 5 ha. Qua sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, bà con 3 bản đã khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước 2 vụ lên hơn 30 ha. Trong quá trình canh tác, thực hiện đúng khung lịch thời vụ, có chăm sóc và sử dụng phân bón nên năng suất bình quân đạt hơn 40 tấn/ha”.
Xác định việc tham gia giúp các xã vùng biên phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng, trong 5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh trên tuyến biên giới của tỉnh luôn phát huy tinh thần tích cực, sáng tạo, nghiên cứu, thí điểm và phổ biến rộng rãi các mô hình sản xuất cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn đóng quân, như: Mô hình trồng lúa nước 2 vụ ở các xã Tam Thanh, Na Mèo (Quan Sơn), Hiền Kiệt (Quan Hóa); mô hình trồng ngô lai 2 vụ tại xã Pù Nhi và chăn nuôi lợn tại xã Tam Chung, xã Quang Chiểu (Mường Lát), mô hình nuôi cá tầm ở ĐBP Bát Mọt (Thường Xuân)... Các mô hình sản xuất được triển khai tại các bản làng đã giúp bà con biết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đi liền với đó, các ĐBP trong tỉnh còn làm chủ đầu tư 7 công trình đường giao thông, 6 công trình cấp điện sáng, 10 công trình cấp nước sạch ở khu vực biên giới, với tổng trị giá 535,22 tỷ đồng. Đáng nói hơn, cùng với việc đăng ký giúp đỡ 1 thôn, bản về xây dựng nông thôn mới, các ĐBP đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ “chung tay” cùng với Nhân dân làm mới và tu sửa được 98,3 km đường giao thông nông thôn, hơn 153 km kênh mương thủy lợi, với 11.520 ngày công lao động. Từ các mô hình sản xuất, đến những công trình dân sinh do cán bộ, chiến sĩ biên phòng trong tỉnh xây dựng không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn các bản làng, mà còn nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, khẳng định tình quân dân như cá với nước. Qua đó, củng cố lòng tin, huy động được sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp Nhân dân vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Song song với việc duy trì các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được hình thành, phát triển từ những năm trước đây, hiện nay các ĐBP trong tỉnh còn đang triển khai xây dựng thêm nhiều mô hình mới, như: mô hình phân công đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, bờ biển; mô hình nhận con nuôi ĐBP; mô hình thực hiện dân chủ ở cơ sở; mô hình tư vấn pháp luật và hướng nghiệp tại ĐBP... Các mô hình “Dân vận khéo” đã tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới khu vực biên giới trong tỉnh.
Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ các ĐBP còn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực biên giới triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Trong đó, các ĐBP đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Kết quả, ở khu vực biên giới đã thành lập 695 tổ an ninh tự quản với 2.415 người tham gia; 26 tập thể, 19 hộ gia đình và 85 cá nhân đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Với cánh tay nối dài là quần chúng Nhân dân đã giúp các ĐBP kịp thời nắm bắt, giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở khu vực biên giới, bảo vệ an toàn đường biên, mốc giới quốc gia.
Cuộc sống mới đang hiện hữu ở các bản làng và đồng bào các dân tộc khu vực biên giới ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Có được những thành quả đó, không thể không nhắc đến công sức của các cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh làm công tác dân vận. Các anh đang ngày đêm “3 bám, 4 cùng” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn đóng quân phát huy nội lực, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
(baothanhhoa.vn)