Thứ Năm, 26/12/2024
Sa Pa nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”
 

Tham quan mô hình “chống thả rông gia súc” tại thôn Bản Sài, xã Liên Minh.


Có mặt cùng đoàn kiểm tra mô hình dân vận khéo tại xã Liên Minh, chúng tôi nhận thấy diện mạo nông thôn nơi đây có nhiều đổi thay, đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường. Trước đây, người dân thôn Bản Sài, xã Liên Minh vốn thả rông gia súc nên một số hoa màu bị phá hoại, gia súc có nguy cơ bị chết do lây lan dịch bệnh… Từ thực tế đó, năm 2015, xã Liên Minh (xã Nậm Sài cũ) thí điểm thực hiện mô hình “Chống thả rông gia súc” tại thôn Bản Sài. Trên phạm vi toàn xã, UBND xã Liên Minh đã phối hợp với ban, ngành chuyên môn của thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thông qua việc mở các lớp tập huấn về chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn, xây dựng mô hình điểm và tuyên truyền trực tiếp tới từng hộ, từng người dân.

Nói về điều này, bà Đào Thị Chắp, ở thôn Bản Sài cho biết: Gia đình tôi hiện có 8 con bò, 3 con trâu, khi được cán bộ hướng dẫn, gia đình tôi xây chuồng nuôi kiên cố, trồng cỏ voi làm nguồn cung cấp thức ăn chính cho gia súc. Chỉ có nuôi nhốt mới bảo vệ được mùa màng và vật nuôi tránh được dịch bệnh.

Thôn Bản Sài có 125 hộ, 100% hộ nuôi gia súc và thực hiện nuôi nhốt tập trung, làm chuồng trại hợp lý. Trong hương ước của thôn Bản Sài, nếu gia đình nào thả rông trâu, bò sẽ phải nộp phạt vào quỹ của thôn 100 nghìn đồng/con, đó là điều khoản có “sức nặng” lớn, làm thay đổi nhanh ý thức của mỗi người dân.

Đồng chí Trần Phong Ba, Phó Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Sa Pa cho biết: Thời gian vừa qua, bám sát các kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Thị ủy Sa Pa luôn xác định công tác dân vận và xây dựng các mô hình dân vận khéo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Không rập khuôn, máy móc hoặc hành chính hóa, công tác này được thị xã triển khai linh hoạt, phù hợp theo từng địa bàn, khu dân cư với những đặc thù về dân tộc, điều kiện kinh tế, dân trí... Thông qua các buổi họp, sinh hoạt, địa phương đã tổ chức ký kết hương ước, quy ước đến 100% tổ dân phố, thôn, bản về xây dựng thôn, bản văn hóa, gia đình văn hóa, không có người thân vi phạm pháp luật, thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi…

Hiện nay, thị xã có 144 mô hình dân vận khéo, trong đó lĩnh vực phát triển kinh tế có 37 mô hình; văn hóa - xã hội 49 mô hình; quốc phòng - an ninh 44 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị 14 mô hình. Trong phát triển kinh tế đã hình thành nhiều mô hình như trồng ớt ở xã Thanh Bình; mô hình trồng cây ăn quả có múi tại thôn Nậm Nhìu, mô hình trồng dưa hấu ở xã Liên Minh; mô hình trồng hoa phong lan tại xã Tả Phìn; mô hình du lịch cộng đồng ở các xã Bản Hồ, Hoàng Liên, Tả Van và Mường Hoa... Kết quả đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thị xã phát triển, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn đạt 30,43 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 13,64% và không có xã, phường có hộ nghèo trên 30%.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, tập trung xây dựng thương hiệu “Sa Pa - đô thị du lịch sạch - đẹp - văn minh” với các mô hình xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; mô hình vệ sinh môi trường gắn với phát triển du lịch làng bản; không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; mô hình vệ sinh môi trường. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh đã xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; mô hình tổ hòa giải khu dân cư…

Thời gian tới, thị xã Sa Pa tiếp tục nhân rộng, đổi mới các mô hình dân vận khéo, đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai phong trào thi đua đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; gắn nội dung thi đua dân vận khéo với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng thời tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

(baolaocai.vn) 


Gửi cho bạn bè