Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” thực chất, hiệu quả được huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La quan tâm triển khai thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo; cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng, tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đồng chí Mè Thị Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Xác định không chạy theo thành tích, số lượng mà hướng tới chất lượng, hiệu quả nên khi triển khai xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” được tiến hành đánh giá, lựa chọn kỹ ngay từ cơ sở, có khả năng thực hiện. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đưa ra khỏi danh sách những mô hình kém hiệu quả và nhân rộng những mô hình hiệu quả phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Tìm hiểu mô hình ghép, trồng xoài giống mới gắn với tiêu thụ sản phẩm của HTX Hương Xoài, xã Tú Nang - một trong những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên lĩnh vực phát triển kinh tế của huyện Yên Châu mới hiểu rõ hơn hiệu quả của phong trào. HTX Hương Xoài thành lập năm 2015, có 13 thành viên, với 32 ha cây ăn quả; trong đó, có 22 ha xoài giống Đài Loan được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Năm 2020, HTX đã xuất khẩu trên 200 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc.
Ông Hoàng Văn Quán, Giám đốc HTX Hương Xoài, thông tin: Khi đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” chúng tôi xác định phải gắn với lợi ích của các thành viên thì mới hiệu quả và phát triển bền vững. Vì vậy, HTX hỗ trợ các thành viên đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc xoài; liên kết tiêu thụ và xuất khẩu quả xoài. Vụ xoài năm nay, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, HTX vẫn tiêu thụ được 400 tấn xoài, trong đó có 300 tấn xuất khẩu, số còn lại bán cho thương lái; ngoài ra HTX còn đứng ra thu mua khoảng 2.000 tấn của bà con trồng xoài trên địa bàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bình quân thu nhập của các thành viên HTX từ 200-300 triệu đồng/năm.
Từ những mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả trên địa bàn huyện đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, được nhiều người dân học tập, làm theo. Điển hình là các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cây ăn quả trên đất dốc trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện Yên Châu có trên 10.200 ha cây ăn quả; trong đó, có 979 ha xoài, nhãn được trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I cấp 47 mã số vùng trồng; trên 500 ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn VietGAP. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tiêu thụ 20.000 tấn xoài; trong đó, xuất khẩu 3.290 tấn sang thị trường Trung Quốc, 16.710 tấn bán trong nước. Tiêu thụ 22.000 tấn mận, 8.112 tấn nhãn và trên 1.000 tấn sản phẩm cây ăn quả khác chủ yếu ở thị trường trong nước.
Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện có 117 mô hình cấp huyện và cấp xã được xây dựng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua rà soát, huyện đã đưa khỏi danh sách 67 mô hình kém hiệu quả, không còn phù hợp đề nghị đưa ra khỏi danh sách. Tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện 50 mô hình hiệu quả.
Trên cơ sở những mô hình hiệu quả, giai đoạn 2021-2025, toàn huyện đăng ký 54 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó, lĩnh vực kinh tế 25 mô hình; văn hóa - xã hội 18 mô hình; 3 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh; 8 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị. Qua đánh giá, các mô hình đều gắn với thực tế, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và gắn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân...
Phát huy kết quả đạt được, huyện Yên Châu tiếp tục gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước; nhân mô hình phù hợp, hiệu quả, sát với thực tế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và nguyện vọng của nhân dân. Thường xuyên biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có việc làm tốt, cách làm hay để nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
(baosonla.org.vn)