Thứ Sáu, 19/4/2024
Lan tỏa phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở Bình Thuận
Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Dân vận khéo” nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Nữ trưởng khu phố khéo dân vận

11 năm làm Trưởng khu phố Lương Nam, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, bà Chế Thị Thanh Xuân đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bà con nơi đây bởi tấm lòng nhân hậu, gần dân. Bằng tình cảm chân thành, mộc mạc, thái độ mềm dẻo, khéo léo, bà đã góp công lớn trong việc vận động, thuyết phục nhân dân giải phóng mặt bằng để triển khai nhiều dự án trên địa bàn. Đặc biệt là vận động bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A. Thời điểm đó, vì những vướng mắc trong áp giá đền bù, một số hộ dân trên địa bàn khu phố Lương Nam không chấp thuận bàn giao mặt bằng. Trước tình hình ấy, bà Xuân đã gần gũi, sâu sát, gặp gỡ từng hộ dân có liên quan để tuyên truyền các văn bản về giải phóng mặt bằng, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. 

Bên cạnh đó, việc vận động nhân dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc giải tỏa mặt bằng. Tuy vậy, bà Xuân đã cố gắng và kiên trì thuyết phục vận động thi công hoàn thành 13 tuyến đường bê tông, dài gần 1.400m với trị giá trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt trong các phong trào thi đua thị trấn phát động, bà Xuân và khu phố đã trực tiếp vận động nhân dân đóng góp 100% vốn làm 2 tuyến đường bê tông dài gần 300m với tổng số tiền gần 260 triệu đồng; sỏi hóa 4 tuyến đường lầy lội với số tiền hơn 120 triệu đồng. Không dừng lại, bà Xuân còn chủ động tham mưu và tổ chức vận động đóng góp xây dựng tuyến đường Hồng Kỳ với 100 cây cờ được cắm trên dải phân cách cứng quốc lộ 1A và triển khai đúc 200 bộ đế kết hợp thay mới cán cờ và cờ Tổ quốc đúng quy cách trước nhà các hộ dân trong các ngày lễ, tết. Mô hình được nhân rộng trên toàn thị trấn đã góp phần làm cho diện mạo Lương Sơn ngày càng khởi sắc.

Mặt khác, bà Xuân còn vận động các mạnh thường quân ủng hộ và thi công lắp đặt tuyến đường ống dẫn nước sạch từ ngã 3 Lương Sơn - Hòa Thắng lên dốc đường Bàu dài 500m, trị giá 92 triệu đồng để nhân dân có nước sạch sử dụng… “Phải phát huy hết trách nhiệm của người đứng đầu, mạnh dạn đề xuất ý kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong quá trình làm việc, phải đặt mình trong hoàn cảnh của người dân để hiểu dân, đồng thời phải nắm chắc các kiến thức về pháp luật để có thể giải thích cặn kẽ cho nhân dân” - Đó chính là bí quyết thành công của người Trưởng khu phố dân vận khéo Chế Thị Thanh Xuân.

Lan tỏa phong trào “Dân vận khéo”

Qua hơn 5 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xây dựng gần 2.700 mô hình tập thể và gần 2.000 điển hình cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội và đã biểu dương, khen thưởng cho 1.122 lượt tập thể và 1.559 lượt cá nhân có thành tích xuất sắc. Trên lĩnh vực kinh tế, toàn tỉnh xây dựng 472 mô hình tập thể và 40 điển hình cá nhân. Trong đó có nhiều mô hình, điển hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết hàng ngàn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đã được các cấp, các ngành duy trì, nhân rộng. Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, các địa phương, đơn vị đã xây dựng, nhân rộng 721 mô hình tập thể, 324 điển hình cá nhân… Đây chỉ là 2 trong nhiều lĩnh vực của phong trào thi đua “Dân vận khéo” sau hơn 5 năm phát động, triển khai mà đến nay phong trào thi đua đã lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh và trở thành động lực tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực đời sống xã hội.

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào trong toàn hệ thống chính trị, gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung “4 không” theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai “Năm Dân vận khéo” 2020 và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước. Kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, thường xuyên nắm chắc tình hình, tâm trạng, nguyện vọng của nhân dân; chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình hiệu quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

(baobinhthuan.com.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất