|
Anh Nguyễn Tuấn Khởi
|
1. Làm thiện nguyện, hoạt động cộng đồng từ năm 2005, anh Nguyễn Tuấn Khởi được nhiều người biết đến với các hoạt động như Hành trình Đỏ - chiến dịch kêu gọi hiến máu cứu người có câu lạc bộ trên toàn quốc. Anh là nhà sáng lập và giám đốc Foodbank Việt Nam, hoạt động như một trung tâm chứa thức ăn cho các tổ chức từ thiện và các nhóm cộng đồng. Khi dịch COVID-19 bùng phát, các mô hình Bếp yêu thương, Khách sạn cộng đồng, Tủ lạnh cộng đồng, Cơm di động miễn phí... mà anh làm đã giúp đỡ cho nhiều người. Ngân hàng thực phẩm đã cung cấp rau, củ, quả, thực phẩm cho hàng loạt mái ấm, viện dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội, nơi nuôi dưỡng trẻ em, người già, tàn tật... ở TP. Hồ Chí Minh.
Và gần đây, cùng tham gia với Tổ công tác của Ban Dân vận Trung ương tại phía Nam, Tuấn Khởi nhận nhiệm vụ điều phối Chương trình “Bệnh viện tại nhà” để chữa trị kịp thời cho bệnh nhân F0 tại nhà. Đây là chương trình do Công ty Cổ phần Công nghệ và dịch vụ Y tế số MED-ON (đơn vị điều phối miền Bắc), Công ty Cổ phần Doctor Care Việt Nam (đơn vị điều phối miền Nam) với sự đồng hành của Quỹ hỗ trợ từ thiện CP Việt Nam, Tập đoàn Y tế Medlatec group. Sự kiện ra mắt dự án “Bệnh viện tại nhà” đã được diễn ra vào ngày 26/8/2021 với sự hiện diện của GS. AHLĐ. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Tập đoàn MED-Group; ThS. Nguyễn Trí Anh, Tổng Giám đốc MED-Group, cùng với sự tham gia của các thầy cô chuyên gia, cố vấn cho dự án và sự góp mặt của Ban tổ chức dự án tại 2 đầu cầu Nam - Bắc.
Phát biểu tại sự kiện, GS. AHLĐ. Nguyễn Anh Trí cho biết, đội ngũ kỹ sư công nghệ đã cho ra đời các ứng dụng y tế rất hay, hữu ích, đóng góp nền tảng tư vấn sức khỏe hỗ trợ người bệnh, phục vụ cho khám chữa bệnh và các dự án vì cộng đồng. GS Trí cũng đánh giá cao tấm lòng của anh Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc điều hành Kênh Y tế Việt Nam (đại diện cho đơn vị điều phối dự án ở miền Nam), người luôn không ngừng làm thiện nguyện.
Thấu hiểu tình cảnh nhiều người dân lâm vào cảnh F0 và thực hiện tự cách ly và điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế, Nguyễn Tuấn Khởi cho biết, với mục tiêu thông qua hệ thống các đối tác, các tổ chức, cá nhân, y bác sỹ, dược sỹ, các tình nguyện viên, dự án “Bệnh viện tại nhà” mong muốn sẽ giúp kết nối chính xác và hỗ trợ nhanh chóng cho người dân là các F1, F2 và các bệnh nhân F0, đặc biệt với các trường hợp đang thực hiện chế độ cách ly tại nhà, góp phần giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng về bệnh tật và tinh thần.
Tính đến nay, chương trình “Bệnh viện tại nhà” tại TP. Hồ Chí Minh đã điều trị, tư vấn, phát thuốc cho 9.000 F0 điều trị tại nhà. Ngoài ra, thực hiện hướng dẫn, đề xuất của Tổ công tác Ban Dân vận Trung ương, Tuấn Khởi cùng các đơn vị khác đã xây dựng thành công Trung tâm hỗ trợ điều trị và cấp cứu kết hợp thu dung tại quận Bình Tân, nơi có diễn biến dịch phức tạp. Bệnh viện đi vào hoạt động hơn 10 ngày qua, có 60 y bác sỹ và nhân viên phục vụ, hiện có 200 bệnh nhân điều trị, 2 xe cấp cứu, chuyển viện 20 ca, xuất viện trên 20 ca.
|
Anh Lê Hải Bình
|
2. Sau hệ thống ATM gạo và ATM oxy của Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Công ty CP Vũ Trụ Xanh, nay tiếp tục có thêm Nhóm ATM Gạo thông minh và Tổng đài OxyMap thông minh. Tổng đài OxyMap được sáng lập bởi anh Lê Hải Bình, Chủ tịch Axys Group và công ty Mắt Bão và 2 người bạn là anh Đặng Thế Hiền và anh Huỳnh Trọng Văn. Đầu đợt dịch bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, những người dân có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều quận, huyện đã được nhận gạo miễn phí 7 ngày/lần thông qua dự án “ATM gạo thông minh” có nhận diện khuôn mặt và kết nối điện toán đám mây. Qua hơn 1 tháng, các máy “ATM gạo thông minh” đã phát gần 400 tấn gạo cho 98.274 người.
Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm tăng vọt, nhu cầu sử dụng ôxy trợ thở tăng cao, anh Lê Hải Bình cùng với 2 người bạn đã nghiên cứu và phát triển Tổng đài OxyMap với chức năng cho mượn bình ôxy miễn phí nhằm hỗ trợ bệnh nhân điều trị COVID-19 tại nhà. Tổng đài OxyMap kết hợp với tất cả trạm y tế của các phường, xã, trung tâm y tế lưu động khắp thành phố để đội ngũ y - bác sĩ ở đó sẽ trở thành những người tư vấn cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Khi người dân gọi vào số tổng đài (028) 7777.7788 và bấm phím tương ứng với quận, huyện mình đang ở, họ sẽ được kết nối trực tiếp đến số máy di động của đội y - bác sĩ tại trạm y tế phường, xã. Thông qua các trao đổi, hướng dẫn, y bác sĩ sẽ là người chỉ định việc sử dụng bình ôxy nhằm hạn chế “lạm dụng” bình ôxy có thể dẫn tới các hậu quả không tốt. Việc dùng tổng đài như vậy sẽ giúp bảo mật số điện thoại của các y bác sĩ, giúp chia ca hỗ trợ, để họ có thời gian nghỉ ngơi.
Điểm đặc biệt là mỗi bình ôxy của OxyMap được gắn một mã QR riêng để quản lý. Đội ngũ tại trạm chỉ quét mã QR và qua 1-2 thao tác bấm trên ứng dụng là đã hoàn tất các quy trình cho mượn, đổi, thu hồi bình ôxy. Toàn bộ dữ liệu liên quan đến bình ôxy được đẩy về hệ thống điều hành trung tâm. Tại đây sẽ có các đội phản ứng nhanh phụ trách địa bàn có nhiệm vụ mang bình đầy khí đi đổi lấy bình hết khí tại các trạm. Việc này giúp tối ưu hiệu suất sử dụng một bình ôxy, giúp phân bổ số lượng bình tại các trạm khác nhau một cách hợp lý nhất, giảm tối đa việc mất mát bình ôxy do không có quản lý.
Ngoài ra, hệ thống có thể vẽ lại bản đồ sử dụng và cung cấp ôxy miễn phí của toàn thành phố tại website oxymap.vn. Bắt đầu triển khai với 14 trạm OxyMap tương ứng với 14 phường của quận 5, chỉ sau 15 ngày, OxyMap đã đặt được 200 trạm tại tất cả phường của các quận 5, 6, 8, 10, 12, Bình Tân, Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức và trạm trung tâm cho các quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh với số lượng bình ôxy ban đầu là 2.080 bình. Lê Hải Bình cho biết tất cả thông tin nguồn bình ôxy đang ở đâu hay các khoản đóng góp được sử dụng ra sao đều được công khai trên mạng.
|
Anh Nguyễn Ảnh Nhượng Tống
|
3. Anh Nguyễn Ảnh Nhượng Tống được biết đến nhiều với tư cách là sáng lập viên, Chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn truyền thông - truyền hình Yeah1 từ năm 2006. Khởi đầu là một website nhỏ chỉ với vài nghìn người dùng, Yeah1 sau 12 năm đã phát triển thành một start-up công nghệ hàng đầu ở Việt Nam, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực truyền hình, sản xuất phim, kinh doanh quảng cáo... Được sự gợi ý của Tổ công tác Ban Dân vận Trung ương, trong những ngày dịch bệnh hoành hành Thành phố, ngoài các công việc thiện nguyện, anh Tống cùng các cộng sự của mình đã hỗ trợ cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng App An sinh nhằm đưa công tác cứu trợ, giúp đỡ người dân trong mùa dịch đi vào căn cơ, hiệu quả hơn. Anh Tống cho biết, vấn đề hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc Thành phố để đưa công tác xã hội, an sinh vào quy cũ nhờ công nghệ thông tin đã được Công ty anh bàn bạc, thảo luận với lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc thành phố trong thời gian qua. Việc kịp thời đưa vào vận hành App An sinh vào thời điểm này là vô cùng cần thiết, đòi hỏi một nỗ lực rất lớn của những người thực hiện.
5 điểm nổi bật của ứng dụng An sinh, đó là: (1) Tính năng quan trọng nhất của ứng dụng là gửi yêu cầu an sinh, nhận hỗ trợ túi an sinh, tiền hỗ trợ nhanh chóng. Trong mục này, người dân có thể đăng ký nhận túi an sinh từ Mặt trận Tổ quốc hoặc nhận hỗ trợ từ cộng đồng, hội thiện nguyện. Những hỗ trợ này gồm tiền mặt, cấp cứu khẩn cấp, nhu yếu phẩm, trợ giúp y tế như xe cấp cứu, thuốc men, bình oxy... (2) Gởi yêu cầu cấp cứu đối với các tình huống khẩn cấp, với ứng dụng An sinh, người dân chỉ cần nhấn vào một mục tương ứng và nhập địa chỉ. (3) Tính năng SafeID quản lý rủi ro Covid-19, xem lịch sử tiếp xúc, trên đây sẽ cập nhật chỉ số an toàn của người dân và quản lý lịch sử tiếp xúc, các rủi ro liên quan đến Covid-19. (4) Tương tác với những người dùng khác, các điểm đến, các tổ chức có dùng SafeID. SafeID hoạt động theo nguyên lý của một mạng xã hội, vì thế, người dùng có thể dễ dàng tương tác với người khác, các điểm đến, các tổ chức có dùng SafeID thông qua mã QR. Điều này giúp quản lý rủi ro COVID-19, xem lịch sử tiếp xúc. (5) Với ứng dụng An sinh, người dân cũng có thể dễ dàng xem chứng nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 của mình ngay trên ứng dụng rất thuận tiện.
Ngoài ra, Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tại Thành phố gần đây tạo sức thu hút trên mạng xã hội. Thông qua đó, chính quyền thành phố lắng nghe ý kiến người dân để phục vụ được tốt hơn. Đây là lần đầu tiên những bức xúc của người dân được chính quyền tiếp thu, trả lời và giải quyết ngay nhờ sự tương tác trực tiếp trong chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”. Chương trình do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) tổ chức, livestream trên mạng xã hội. Tại đây, những thắc mắc của người dân về các vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục… đều được giải đáp, mở ra một kênh mới để chính quyền tương tác với người dân và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Chương trình cũng là một trong nội dung được anh Nhượng Tống hỗ trợ kỹ thuật, người dẫn chương trình.
|
Thượng tọa Thích Thanh Phong (bên trái)
|
4. Từ ngày 14/7/2021 đến nay, Chương trình thiện nguyện do Ban Từ thiện - xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cùng với chùa Vĩnh Nghiêm, nhóm từ thiện Chia sẻ - Sharing, nhóm thiện nguyện Mãn Tự phối hợp thực hiện việc nấu 10.000 suất cơm mỗi ngày, góp phần chăm lo bà con, bệnh nhân và y bác sĩ ở các trung tâm cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Từ thiện - xã hội Phật giáo Thành phố, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết, ban đầu chia sẻ 1.000 suất chay mỗi ngày, sau đó tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, tất cả các chùa Thành phố chia sẻ với tuyến đầu chống dịch, với những suất cơm để mọi người vượt qua những khó khăn.
Thượng tọa cho biết khi toàn Thành phố thực hiện Chỉ thị số 16, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố có bức tâm thư gửi đến Ban Từ thiện xã hội, cùng tất cả Tăng Ni thành phố, kêu gọi cùng đồng tâm hiệp lực chia sẻ người dân trong dịch bệnh. Sau khi nắm bắt tình hình và nhu cầu thực tế từ các trung tâm cách ly và các bệnh viện dã chiến đang quá tải vì số lượng người mắc COVID-19 liên tục tăng cao, khiến việc chăm sóc đời sống, trong đó có việc ăn uống có khó khăn, Thượng tọa đã quyết định chung tay nhằm chia sẻ bớt áp lực, để đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên yên tâm làm việc, bệnh nhân, bà con cách ly cũng yên lòng điều trị sớm được khỏi bệnh.
Ngoài các suất ăn chay do bếp chùa đảm trách, bếp còn chăm lo đội ngũ y, bác sĩ đủ dinh dưỡng và theo chế độ ăn uống bình thường, Ban Từ thiện - xã hội Phật giáo Thành phố còn bố trí mỗi ngày nấu các suất thức ăn mặn do các Phật tử, cư sĩ phụ trách ở các bếp gia đình. Các suất ăn chay, mặn sẽ được tập trung theo các điểm cố định thuận tiện cho việc chuyên chở, được đội xe tình nguyện nhận phân phối đến các khu cách ly, bệnh viện dã chiến ở trên các địa bàn thành phố theo số liệu đăng ký cập nhật trước đó, như Bệnh viện điều trị COVID-19 Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 Bình Chánh, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 7 Thủ Đức và bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 Huflic...
Chia sẻ về nguồn thực phẩm, Thượng tọa Thích Thanh Phong cho biết, Ban Từ thiện - xã hội Thành phố nhận được rau, củ, quả từ Phật giáo các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước… gửi tặng đến TP. Hồ Chí Minh. Đây là tấm lòng của bà con con cả nước gửi về bà con Thành phố. Những phần rau củ quả này được chuyển đến các bếp nấu cho các khu cách ly, và gửi tặng đến các trường hạ của Tăng Ni đang cấm túc an cư theo hướng dẫn của Giáo hội. Tính đến nay, Chương trình đã nấu được hơn 300.000 suất ăn phục vụ các y, bác sỹ, người dân đang điều trị COVID-19, chung tay cùng Thành phố đẩy lùi dịch bệnh, chia sẻ những khó khăn chung.
|
Anh Lê Trọng Quốc
|
5. Câu lạc bộ Thiện Minh Sài Gòn là nhóm thiện nguyện được thành lập bởi anh Lê Trọng Quốc, một doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Vốn xuất thân từ cán bộ phong trào của Hội Liên hiệp Thanh niên, bên cạnh việc kinh doanh, anh dành nhiều thời gian cho Câu lạc bộ Thiện Minh Sài Gòn với các chương trình thiện nguyện định kỳ là “Bếp ăn gieo duyên” và “Chuyến xe hạnh ngộ”. Thành viên của Câu lạc bộ cũng chính là những anh em thời cùng công tác thanh niên, tham dự chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ JICA tại Nhật Bản, cùng chung ý nguyện nên lập ra câu lạc bộ thiện nguyện đầy ý nghĩa này.
Mùa dịch COVID-19 tràn vào Thành phố, Câu lạc bộ Thiện Minh Sài Gòn quyết định tổ chức Chương trình “Chuyến xe hạnh ngộ” để tặng nông sản cho bà con các khu cách ly để hỗ trợ bữa ăn hàng ngày. Đến nay, đã có nhiều chuyến xe đến với bà con các khu vực của Thành phố với gần 20 tấn nông sản với mong muốn cùng đồng hành và góp phần nhỏ trong việc chăm lo lương thực cho người dân vượt qua giai đoạn đặc biệt phức tạp của dịch bệnh. Ngoài ra, trong mùa dịch, anh Quốc cùng những người bạn đã nhiệt tình cùng đồng hành với Tổ công tác của Ban Dân vận Trung ương trên các chuyến công tác, thăm, động viên các Trạm Y tế lưu động của Thành phố và tham gia các chuyến xe chở các suất ăn, thiết bị y tế phục vụ cho các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung… Thông qua các chuyến xe tình nghĩa của anh Quốc và những người bạn đã có nhiều tấn quà của Tổ công tác kịp thời đến động viên cho các y bác sỹ, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Trên đây là những bông hoa đẹp trong vườn hoa chung của phong trào tình nguyện, từ thiện của nhân dân Thành phố mang tên Bác trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp vừa qua. Trong những gương mặt tươi sáng, tinh thần dấn thân, cống hiến vì cộng đồng, chúng tôi được biết anh Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Lê Hải Bình, Lê Trọng Quốc đều là nguyên Ủy viên Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Thượng Tọa Thích Thanh Phong, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; anh Nguyễn Tuấn Khởi hiện là Ủy viên BCH Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam./.
Vũ Anh Tuấn, Vụ trưởng, Trưởng CQTT Ban Dân vận Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh.
(Bài đăng Tạp chí Dân vận số 10/2021)