Thứ Năm, 26/12/2024
Bình Phước: Dân vận khéo vượt qua đại dịch
 

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Ma Ly Phước (thứ nhất từ trái qua)
trực tiếp tuyên truyền về phòng, chống dịch và trao quà cho người dân


Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thực hiện công tác này, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch Covid-19; chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung phối hợp thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch với trạng thái sẵn sàng cao nhất. 

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức kiểm soát chặt chẽ biên giới, duy trì các chốt, tổ kiểm tra để kiểm soát giao thông và phòng, chống dịch tại các khu vực cửa ngõ ra, vào tỉnh, các tuyến giao thông liên huyện, liên xã và đường ngang, lối tắt; đồng thời chỉ đạo đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa, duy trì sản xuất, kinh doanh phù hợp, thiết lập các bệnh viện dã chiến, đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch; triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

Công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng được tỉnh triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả. Công tác xử lý vi phạm quy định về phòng, chống dịch được tỉnh quyết liệt chỉ đạo, xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm. Các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục phối hợp ban dân vận cấp ủy cùng cấp tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận, giải quyết những vấn đề bức thiết, chính đáng của nhân dân; phối hợp với MTTQ và các đoàn thể động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện các chương trình kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân đóng góp tiền, hiện vật, nhu yếu phẩm... phục vụ công tác phòng, chống dịch của tỉnh và hỗ trợ các tỉnh bạn. 

Công tác dân vận của các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, tích cực bám sát địa bàn, làm tốt công tác dân vận theo chức năng của tổ chức mình để góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh; đã xây dựng và triển khai kế hoạch, hướng dẫn về công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng đơn vị “Dân vận tốt”. Trong đợt dịch vừa qua, lực lượng vũ trang tỉnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ với hàng ngàn ngày công hỗ trợ nhân dân thu hoạch trái cây, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh; vận động, tiếp nhận hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trị giá gần 40 tỷ đồng…

Đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa yêu thương

Đồng chí Ma Ly Phước, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, công tác dân vận luôn được tỉnh xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Chính vì vậy, việc tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn trong công tác phòng, chống dịch phải đặt lên hàng đầu, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”. Song song đó là nắm chắc tình hình nhân dân, đời sống các hộ dân, công tác chăm lo, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. 

Thời gian qua, Ban Dân vận các cấp đã tham mưu cấp ủy nhiều chủ trương quan trọng về công tác dân vận, chung tay với các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trực tiếp đến tuyên truyền tại các huyện: Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Phú và thị xã Bình Long. Thành lập các nhóm, mỗi nhóm 3-4 người, trực tiếp gặp gỡ các hộ dân (mỗi ngày 1 nhóm đến 10 hộ dân) trao đổi, tìm hiểu, nắm tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của dân, những khó khăn của các hộ dân. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Các đoàn cũng đã tặng quà 200 hộ dân hoàn cảnh khó khăn khi đến tuyên truyền. 

Đến hết tháng 9, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây 59 căn nhà, cấp đất cho 33 hộ, hỗ trợ vay vốn cho 40 hộ; giải quyết việc làm cho 28.101 lao động, đạt 73,95% kế hoạch năm. Đào tạo nghề cho 11.828 lao động, đạt 168,97% kế hoạch. Tổ chức tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho 9.107 lao động; tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm thu hút 93 doanh nghiệp và 1.715 lao động tham gia; hỗ trợ học nghề cho 75 lao động. Các chế độ chính sách cho người có công đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng...

Cũng theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, hệ thống Dân vận, MTTQ, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, bằng nhiều hình thức, biện pháp đã phát huy công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Đảm bảo an sinh xã hội 

Cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người dân, đặc biệt là thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Đến hết tháng 9, toàn tỉnh đã hỗ trợ 79.485 người với tổng kinh phí trên 81,578 tỷ đồng, đã chi hỗ trợ 67.844 người với số tiền trên 67,847 tỷ đồng... Đối với người dân Bình Phước ở tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trong đợt dịch thứ tư, tỉnh đã hỗ trợ qua bưu điện cho 304 người với số tiền 304 triệu đồng; hỗ trợ 9.250 lao động khó khăn 700 ngàn đồng/người. Ngoài ra đã phân bổ hàng trăm tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cấp phát cho các hộ khó khăn.

2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận. Thời gian tới, công tác dân vận của tỉnh tiếp tục chú trọng đẩy mạnh việc quán triệt, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận gắn với nhiệm vụ cụ thể của địa phương, đơn vị; thường xuyên và chủ động nắm chắc tình hình nhân dân; làm tốt công tác vận động, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

(baobinhphuoc.com.vn) 

Gửi cho bạn bè