Chủ Nhật, 24/11/2024
Lan tỏa các mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế ở Thái Bình
Mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ hiện đại của chị Mai Thị Tươi tại xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình).

Với hơn 1ha đất thuê lại của bà con nông dân thôn Nam Hải, xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, anh Nguyễn Xuân Sứ đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, anh đã tăng mật độ nuôi lên gấp 3 lần so với trước, hiệu quả vì vậy cũng tăng lên. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. 

Anh Sứ cho biết: Thay vì xây ao diện tích lớn như trước đây, hiện nay tôi xây nhiều ao nhỏ từ 300 - 500m2/ao. Ao nhỏ nên việc quản lý môi trường trong ao thuận lợi, chính xác hơn nên có thể tăng mật độ nuôi lên 350 con/m2 thay vì nuôi khoảng hơn 100 con/m2 như trước đây. Vì vậy, tuy là ao nhỏ nhưng cho sản lượng lớn, thậm chí hiệu quả còn hơn cả những ao to.

Lựa chọn nông nghiệp sạch là hướng đi khởi nghiệp, chị Mai Thị Tươi, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân đã thuê lại 3,5ha đất của bà con nông dân xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình để trồng cà chua và dưa lưới theo công nghệ hiện đại. Ngoài ra, Công ty còn liên kết trồng hơn 30ha ớt tại xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ theo hướng bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sản phẩm của Công ty hiện được tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị. 

Theo chị Tươi, Công ty rất mong có thể mở rộng hơn nữa diện tích trồng sản phẩm sạch và an toàn, hướng đến liên kết chuỗi giá trị để giúp bà con nông dân quen với sản xuất an toàn, đầu ra kết nối vào các hệ thống siêu thị và hướng đến xuất khẩu.

Mô hình của anh Sứ, chị Tươi là hai trong rất nhiều mô hình dân vận khéo tiêu biểu về tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh được xây dựng trong thời gian qua. Từ các mô hình điển hình đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nhờ vậy đến nay toàn tỉnh đã có trên 22.169ha đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản, hiệu quả kinh tế vì vậy ngày càng được nâng cao. Ngoài các mô hình tích tụ ruộng đất, các địa phương căn cứ vào nhiệm vụ và tình hình thực tế để xây dựng các mô hình khác, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. 

Đồng chí Vũ Viết Mạnh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đông Hưng cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 61 mô hình dân vận khéo đang triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả ở cơ sở. Các mô hình phát triển kinh tế chiếm số lượng khá lớn, trong đó chủ yếu là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng trọt và mô hình về trồng cây vụ đông. Đặc biệt, nhờ hướng trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào nhiệm vụ trồng cây vụ đông đã giúp huyện mở rộng diện tích trồng cây vụ đông. 

Năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 4.800ha cây vụ đông, nhiều địa phương xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm.

Theo đồng chí Trần Quang Minh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy: Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đăng ký, triển khai thực hiện hàng trăm mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực phát triển kinh tế, trong đó chủ yếu tập trung vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ các mô hình làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm của người nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Việc chú trọng xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình dân vận khéo về phát triển kinh tế trong thời gian tới sẽ tạo động lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để ngày càng tiến gần đến mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

(baothaibinh.com.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất