Phát
huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” khi về với đời thường, ông Nguyễn Văn Lèo
(thôn BobLa - xã Phi Liêng - huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) đã mạnh dạn
phát triển kinh tế gia đình và thường xuyên tuyên truyền, vận động, giúp
đỡ hội viên cựu chiến binh cũng như người dân nơi đây chuyển đổi cơ cấu
cây trồng, nâng cao thu nhập. Từ đó, tạo nguồn lực đóng góp cho chương
trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
|
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lèo (bìa phải) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây cà phê hiệu quả
|
Là một người lính, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1986, ông Nguyễn Văn Lèo xuất ngũ trở về địa phương, sau đó, vào năm 2005, ông đã đến miền quê mới là xã Phi Liêng, huyện Đam Rông lập nghiệp. Những ngày đầu ở quê mới đầy khó khăn, gian khổ, tuy nhiên với ý chí, nghị lực của một người lính, ông đã nỗ lực vượt qua. Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Lèo đã cùng với gia đình cần cù lao động trên vườn rẫy và dần có của ăn của để. Đặc biệt, cựu chiến binh Nguyễn Văn Lèo là người tiên phong trong việc ghép, cải tạo vườn cà phê tại địa phương. Với 6,5 ha diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp, ông Nguyễn Văn Lèo đã tìm tòi, học hỏi và ghép, cải tạo thành công vườn cà phê của gia đình. Sau hơn 3 năm được ghép, vườn cà phê của gia đình ông đã phát triển tốt, cho năng suất cao. Từ thành công của gia đình, ông Nguyễn Văn Lèo đã tuyên truyền, vận động, chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật tới các gia đình hội viên cựu chiến binh và người dân tại địa phương mạnh dạn ghép, cải tạo cà phê già cỗi, từ đó đã có 40 hộ thực hiện với diện tích hơn 20 ha. Bên cạnh đó, gia đình ông đã cung cấp miễn phí cho Nhân dân trong xã trên 21 ngàn chồi giống đảm bảo chất lượng để tiến hành ghép cải tạo vườn cà phê.
Chứng kiến nhiều hộ gia đình người dân các đồng bào dân tộc tại địa phương thiếu kinh nghiệm sản xuất, canh tác một số giống cây trồng quen thuộc kém hiệu quả, cựu chiến binh Nguyễn Văn Lèo đã tuyên truyền, vận động để người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Từ đó, nhiều hộ dân đã chuyển từ trồng bắp, trồng mì sang trồng hoa màu ngắn ngày hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Lèo cũng nghiên cứu và khuyến khích người dân địa phương trồng xen cây mắc ca trên vườn cà phê để tạo thêm thu nhập ổn định.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lèo cũng là người nhiệt tình, tích cực tuyên truyền, vận động người dân địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ông đã chia sẻ, giải thích để người dân hiểu và ý thức được vai trò chủ thể của mình trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Để từ đó, người dân phát huy nội lực, đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất, hiến cây xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới tại địa phương. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lèo cho biết, bản thân gia đình ông cũng đi lên từ khó khăn và hiện nay đã có thu nhập ổn định nên mong muốn tuyên truyền, vận động, chia sẻ để người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Khi người dân có thu nhập tốt, đời sống ổn định thì họ cũng có điều kiện để đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều hơn.
Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân; ông Nguyễn Văn Lèo tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, chung tay không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Cùng với đó, ông cũng đã khuyến khích người dân nghiên cứu thị trường, sản xuất phù hợp với điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời, tham gia các mô hình kinh tế tập thể để tạo tiếng nói chung, liên kết sản xuất ổn định, bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết - Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đam Rông cho biết, việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập của cựu chiến binh Nguyễn Văn Lèo đã được chọn là mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tại địa phương. Với những cống hiến đóng góp của mình, ông Nguyễn Văn Lèo đã nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và được các cấp, các ngành khác tuyên dương khen thưởng.
(baolamdong.vn)