Thứ Năm, 26/12/2024
Nữ tuyên truyền viên tích cực ở vùng biên Hoàng Su Phì

Chị Vương Thị Thảo (bên trái) tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số
trên địa bàn thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước


Người phụ nữ Clao từng vinh dự là người đại biểu của nhân dân tại nghị trường Quốc hội khóa XI ấy có một tuổi thơ đầy vất vả tại miền rừng Túng Sán. Song, chị đã vượt qua hủ tục và định kiến để nộp đơn xin học bổ túc văn hóa khi đã 20 tuổi. Vốn là người có giọng hát hay, lại năng nổ, tích cực tham gia công tác phong trào, nên Thảo được thầy cô, bạn bè yêu mến. Chỉ mất 8 năm, chị đã hoàn thành chương trình phổ thông trung học và trở thành người phụ nữ Clao đầu tiên ở Túng Sán biết chữ, rồi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Túng Sán.

Năm 2002, người dân Hà Giang đã gửi sự tin tưởng vào lá phiếu để bầu chị trở thành đại biểu Quốc hội khóa XI của tỉnh Hà Giang. Các cử tri của tỉnh Hà Giang dần quen với người phụ nữ vốn trình độ không cao, không biết nói những điều to tát, nhưng chịu thương, chịu khó đến từng xóm bản, thủ thỉ điều hơn lẽ thiệt, gần gũi với bà con để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, động viên mọi người biết vượt khó vươn lên. Người dân địa phương cũng không xa lạ với hình ảnh chị vượt rừng núi suốt một ngày mưa gió để tiếp tế lương thực cho những hộ nghèo bị đứt bữa vào mùa giáp hạt. Nghị trường Quốc hội cũng quen với bóng dáng thân thuộc của một nữ đại biểu luôn váy áo rực rỡ trong sắc màu thổ cẩm đến từ Hà Giang, quen cả với giọng nói sôi nổi của nữ đại biểu ấy khi nói về tâm nguyện của đồng bào nơi biên ải.

Vương Thị Thảo cũng là người tích cực vận động chị em trong xã đi học và vận động các gia đình đưa trẻ đến trường. Có nhiều chị em còn phấn đấu học cao hơn tại các trường sư phạm của tỉnh Hà Giang. Cô giáo Vàng Thị Thùy Linh và cô giáo Sú Thị Dần ở Trường Tiểu học Túng Sán vẫn còn nhớ trước đây từng là hai trong số hàng chục bé gái được chị Thảo vận động gia đình cho tới lớp. Giờ đây, chính hai cô giáo trẻ người Clao này đã bước lên bục giảng, dạy cho trẻ em của dân tộc mình từng nét chữ đầu tiên. Một thế hệ phụ nữ mới với nhiều khát vọng về cuộc sống no ấm, về quyền bình đẳng và tự chủ của người phụ nữ đang dần khiến cho miền rừng Túng Sán ngày càng gần hơn với miền xuôi, giúp cho dân tộc Clao bé nhỏ sống nơi thâm sơn ngày càng hòa nhập hơn với cộng đồng cả nước.

Là một người có uy tín đối với nhân dân các dân tộc nơi đây, lại thông thạo nhiều thứ tiếng Dao, Nùng, Tày, Quan Hỏa, Mông... nên chị Vương Thị Thảo dễ dàng gần gũi, gắn bó với bà con và trở thành một tuyên truyền viên tích cực của huyện. Không những thế, con chim họa mi núi rừng ấy đã khiến cho dân tộc Clao càng thêm tự hào bởi kho tàng dân ca, dân vũ độc đáo mà cha ông họ để lại. Những bài ca của núi rừng Tây Côn Lĩnh đã theo tiếng hát của chị mà vang lên trong nhiều dịp liên hoan văn nghệ dân gian của tỉnh Hà Giang và cả nước. Vương Thị Thảo được công nhận là một nghệ nhân dân gian có tài năng và tâm huyết.

Để những bài tuyên truyền của mình có sức thuyết phục và cập nhật thông tin cơ sở, chị thường xuyên bám, nắm thôn bản, gặp gỡ các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn để tìm hiểu tình hình an ninh trật tự, chủ động đề xuất những biện pháp nhằm giúp cho chị em phụ nữ các dân tộc Hoàng Su Phì không vì thiếu hiểu biết mà trở thành nạn nhân của đối tượng buôn người, hoặc bị lợi dụng thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Chị Vương Thị Thảo cũng không quản ngại khó khăn, gian khổ để theo chân những người lính Biên phòng tuyên truyền, giải thích rõ ràng cho bà con không vi phạm các quy chế biên giới.

Theo chân chị cùng đồng nghiệp đến các phiên chợ để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con, chúng tôi được thưởng thức những làn điệu dân ca tuyệt vời do chị thể hiện. Hoàng Su Phì mùa này đang thơm hương nếp mới với trập trùng ruộng bậc thang ken chân dẫn đến đỉnh trời. Và tiếng hát, lời tuyên truyền qua loa truyền thanh của chị Vương Thị Thảo cứ thánh thót những điều luật đã được dịch ra tiếng của đồng bào, lan tỏa trong không gian khiến xóm bản nơi đây tràn đầy sức sống.

Tôi ngồi trong căn nhà gỗ đơn sơ của chị Thảo và được chị cho xem chiếc phù hiệu đại biểu Quốc hội mà chị đã đeo suốt 4 năm khi về Thủ đô dự họp, hay xuống bản cùng bà con bàn chuyện làm ăn, bàn chuyện đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Chiếc phù hiệu nhắc nhớ về một dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời của cô sơn nữ vùng biên ấy.

(bienphong.com.vn) 

Gửi cho bạn bè