Thứ Sáu, 19/4/2024
Những mô hình ''Dân vận khéo'' trong phát triển kinh tế tập thể ở Lâm Đồng
Anh A Dắt Ha Jê My với mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng bán thâm canh

VẬN ĐỘNG BÀ CON DÂN TỘC THIỂU SỐ SẢN XUẤT LÚA THEO HƯỚNG HỮU CƠ

Xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng thuộc vùng khó khăn, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với mức độ dân trí và điều kiện sống còn nhiều hạn chế, nền nông nghiệp lúa nước manh mún, nhỏ lẻ, chỉ mang tính thời vụ, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng lúa, nên năng suất thấp, thu nhập không ổn định,... Trong khi đó, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây rất phù hợp cho việc trồng và phát triển cây lúa nước. Để đánh thức tiềm năng, lợi thế này, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân vùng Tà Năng - Ma Bó mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng lúa. Năm 2019, Chi hội nghề nghiệp lúa hữu cơ Tà Năng - Ma Bó được thành lập đúng theo tâm tư, nguyện vọng của bà con đồng bào Chu Ru nơi đây.

Sau 5 mùa vụ, hoạt động Chi hội đi vào ổn định, tích cực tham gia sản xuất, tăng diện tích gieo sạ từ 25 lên 33 ha. Trung bình 1 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, đầu tư gần 15 triệu đồng, thu hoạch đạt 35 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại hơn 20 triệu đồng/ha/vụ, tăng gấp đôi thu nhập so với khi sản xuất theo lối truyền thống. Quy trình sản xuất ổn định, sản xuất 2 vụ lúa/năm, đưa vùng sản xuất từ tự cung, tự cấp phát triển thành vùng nguyên liệu hàng hóa bán sản phẩm ra thị trường. Mô hình được thực hiện hiệu quả, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con vùng dân tộc thiểu số. 

TRỒNG CÂY MĂNG CỤT PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG THƯƠNG HIỆU

Nhận thấy tiềm năng vượt trội của cây Măng cụt, Hội Nông dân xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên đã mạnh dạn đăng ký và xây dựng mô hình dân vận khéo “Chi hội Nông dân trồng cây măng cụt phát triển theo hướng thương hiệu”. Qua quá trình thực hiện, đã vận động được nhiều hộ nông dân tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ thu nhập trái măng cụt theo hướng thương hiệu. 

Để làm được điều đó, Hội Nông dân xã Đức Phổ tuyên truyền, vận động trên 65 hộ bà con hội viên cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng theo hướng VietGAP với diện tích 45 ha, trong đó, riêng cây măng cụt là 25 ha; phối hợp với các cơ quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch 28 ha vùng trồng chuyên canh măng cụt. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức 3 buổi tuyên truyền, cập nhật các thông tin về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây măng cụt... cho hơn 259 lượt hội viên tham gia.

Đến nay, Chi hội nông dân trồng cây Măng cụt phát triển theo hướng thương hiệu đã thu hút 82 hộ tham gia, với diện tích khoảng 47 ha và tiếp tục vận động triển khai trong toàn xã. Người nông dân sau khi được trang bị các kiến thức về kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất cây trồng ngày một tăng cao, được hỗ trợ từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ trái măng cụt với giá bình quân 35.000 - 45.000 đồng/kg; năng suất từ 6 - 7 tấn/ha, thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng 315 triệu đồng/ha, ngoài ra, các hộ trồng xen canh với các loại cây khác nên thu nhập bình quân mỗi hộ dao động từ 450 - 500 triệu đồng/ha.

Những lợi ích kinh tế mang lại từ việc trồng măng cụt phát triển theo hướng thương hiệu đã tạo được sự lan tỏa và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo hội viên trong xã tham gia. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển vùng nguyên liệu măng cụt, tiến tới xây dựng thương hiệu măng cụt Cát Tiên trong thời gian tới.

CHĂN NUÔI BÒ THỊT THEO HƯỚNG BÁN THÂM CANH

Anh A Dắt Ha Jê My, thôn Đara Hoa, xã Đạ Nhim, Lạc Dương khởi đầu mô hình này từ năm 2017 với 5 con bò giống lai sind theo hình thức bán thâm canh với mục tiêu nâng cao thể trạng và sind hóa đàn bò vàng địa phương. Đến năm 2019, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để đầu tư mua thêm bò giống, kết hợp trồng và chăm sóc cây cà phê, chăn nuôi thêm các gia súc, gia cầm khác... 

Đến nay, gia đình anh Jê My đã phát triển đàn bò lên 15 con bán thâm canh, chia làm 3 lứa chăn nuôi khác nhau để đảm bảo duy trì nguồn thức ăn và thu nhập ổn định từng tháng, 35 con heo và hơn 150 con gia cầm các loại... Nguồn thu nhập từ chăn nuôi bò mang lại giá trị kinh tế cao (mỗi con bò mua giống từ 18 đến 30 triệu đồng, sau 3 đến 4 tháng đã bán được 40 đến 50 triệu đồng mỗi con). Ngoài ra, nguồn phân được tận dụng bón cho vườn cà phê, trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi và bán ra thị trường với giá 40 ngàn/ bao, hàng tháng có thêm thu nhập từ 3,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả cao từ việc chăn nuôi bò Bán thâm canh, anh Jê My sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ tận tình bà con Nhân dân trên địa bàn có nguyện vọng muốn phát triển kinh tế hộ gia đình từ chăn nuôi bò. Theo đó, đến nay, trên địa bàn đã có hơn 50 hộ gia đình nuôi bò với tổng đàn bò trên 250 con. 

Thấy được hiệu quả và thế mạnh kinh tế của mô hình chăn nuôi bò thịt bán thâm canh, cấp ủy, chính quyền xã Đa Nhim đang tích cực vận động, tạo điều kiện để bà con tăng đàn, tăng số lượng theo kế hoạch và quy hoạch cụ thể; đồng thời, hướng tới thành lập hợp tác xã chăn nuôi, tạo liên kết chuỗi trong công tác chọn giống, nguồn thức ăn và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm bò thịt xuất chuồng của bà con.

Thành tích của anh Jê My không chỉ dừng lại ở sự tự nỗ lực phát triển mô hình kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng mà còn tạo sự lan tỏa tích cực tới bà con nhân dân, giúp đỡ, hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình trong xã cùng phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần từng bước đổi thay đời sống kinh tế của người dân trong xã, cùng chung sức, đồng lòng góp phần tích cực vào xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

(baolamdong.vn) 


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất