Thứ Năm, 26/12/2024
Quảng Nam: “Dân vận khéo” tạo đồng thuận của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng

 Phố cổ Hội An (Ảnh: toquoc.vn)

Để có được thành tựu phát triển như hôm nay, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh luôn được gìn giữ, phát huy. Cùng với tập trung chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, định hướng phát triển đã lựa chọn, Quảng Nam hết sức chú trọng triển khai hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là phong trào “Dân vận khéo”, dân vận trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân, thuận lợi cho việc triển khai các dự án trọng điểm tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Công tác tuyên truyền, vận động “đi trước, mở đường”

Nhằm triển khai thực hiện một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra về xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; trong năm 2021, tỉnh Quảng Nam tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đa dạng hóa hình thức đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Nhất là tập trung cho các công trình dự án quan trọng, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; gắn với đó, lần lượt ưu tiên bố trí vốn xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông khớp nối theo quy hoạch; thực hiện các dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị… với quyết tâm tạo ra sức bật mới, động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở giai đoạn mới.

Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (tính theo giá hiện hành) gấp hơn 40 lần, GRDP bình quân đầu người gấp 36 lần và thu ngân sách nhà nước ước đạt 23.600 tỷ đồng, gấp gần 197 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.

Từ thực tiễn phát triển của Quảng Nam thời gian qua cho thấy, công tác GPMB được xem là một trong những khâu quan trọng và quyết định, nhằm tạo quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng các công trình. Đây là một lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp đến đối tượng sử dụng đất, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đến đời sống của người dân, hộ gia đình. Hầu như toàn bộ các công trình, dự án ở các địa phương khi thực hiện GPMB đều có những khó khăn, vướng mắc như: hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác GPMB chưa đồng bộ; chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hiện hành chưa dự báo hết những phát sinh khi áp dụng vào thực tiễn, hay khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường. Mặt khác, khi có thay đổi về chính sách, đơn giá bồi thường, dẫn đến có sự so sánh, khiếu nại về chính sách cũ và mới làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án. Trong khi đó, nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường, GPMB chưa cao, xây dựng các công trình trái phép, lấn chiếm đất đai diễn ra phổ biến đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Nắm bắt và dự lường thực trạng như nêu ở trên, cũng như rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai các dự án, công trình, tỉnh Quảng Nam luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, “đi trước, mở đường” nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và có tính quyết định trong thực hiện bồi thường, GPMB. Có thể nói đây là giải pháp “mềm” giúp chính quyền các cấp đưa chính sách bồi thường được “đến gần” với người dân, giúp cho tiến độ triển khai các dự án được đảm bảo, hoàn thành sớm và không phát sinh các điểm nóng, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại phức tạp, nổi cộm.

Xuyên suốt trong cách làm của mình, Tỉnh ủy Quảng Nam luôn sâu sát, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Quyết định số 101, ngày 02/03/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Các thành viên là các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và một số cơ quan chuyên môn... Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc đã phát huy tốt vai trò của mình, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, tổ chức nhiều đoàn công tác khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp với lãnh đạo các địa phương liên quan đến dự án đang được triển khai. Sau mỗi buổi làm việc với địa phương, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo đều có thông báo, chỉ đạo, phân công rõ người, rõ việc, ấn định cụ thể thời gian hoàn thành cho các địa phương, cơ quan, ban ngành.

Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành chuyên môn ở tỉnh có sáng tạo, đổi mới trong thực hiện công tác dân vận của chính quyền. Sở Tài nguyên - Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3431, ngày 13/11/2018 về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đây là cơ sở để các ban, ngành, địa phương căn cứ thực hiện trong công tác giải tỏa, bồi thường thỏa đáng cho người dân, không để xảy ra “điểm nóng” khiếu kiện đông người. Sở Tài nguyên - Môi trường cũng chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, ngành địa phương kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhằm cụ thể hóa và cập nhật các quy định mới của Trung ương, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành. Đặc biệt, tỉnh đã vận dụng khung giá bồi thường về đất, nhà ở, vật kiến trúc phù hợp với giá thị trường, nhằm giúp những hộ dân bị giải tỏa đủ điều kiện để xây dựng lại nơi ở mới. Đồng thời, Sở đã tham mưu tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại theo đề nghị của các địa phương, kịp thời phát hiện những bất hợp lý, những vấn đề mới phát sinh trong công tác GPMB để đề xuất với UBND tỉnh hướng xử lý phù hợp. Qua đó, đã làm thay đổi nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các địa phương liên quan về công tác bồi thường, GPMB.

Đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân

Như một sự lan tỏa mạnh mẽ, lãnh đạo các địa phương đã tích cực vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác GPMB trên địa bàn, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công dự án trọng điểm đảm bảo tiến độ đề ra. Nhất quán trong nhận thức và hành động, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy, ủy viên BCH Đảng bộ cơ sở được phân công phụ trách các địa phương trong vùng dự án đi qua thường xuyên theo dõi, trực tiếp đến địa bàn nắm tình hình, chỉ đạo việc tổ chức triển khai công tác GPMB, trực tiếp xuống từng xã, từng thôn để thuyết phục, vận động người dân chấp hành chế độ chính sách trong bồi thường, GPMB. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các huyện đã phối hợp chặc chẽ với chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các địa phương đã thành lập tổ công tác dân vận xuống tận nhà dân để tuyên truyền, vận động nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển của địa phương; về cơ chế, chính sách hỗ trợ, bồi thường GPMB.

Tính đến tháng 11/2021, Dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai - đường Võ Chí Công (tổng số hộ dân bị ảnh hưởng GPMB 671 hộ, di dời 1.970 ngôi mộ với diện tích đất thu hồi hơn 100 ha để thi công tuyến đường), đến nay đã bàn giao mặt bằng 26,4/26,5 km đạt 99,6%; Dự án Đường nối từ Quốc lộ 1A đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với Quốc lộ 14E (có tổng chiều dài 8.300 km, có 709 hộ bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất bị thu hồi 269.683,1 m2), đã bàn giao được 8.180/8.300 km; Dự án Đường quốc lộ 40B đã bàn giao được 16,71/18,11km…

Nhờ đó, nhiều vướng mắc, hạn chế được chỉ đạo giải quyết kịp thời; một số công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ và đạt được kết quả khả quan. Đặc biệt, đã tổ chức thành công Hội nghị cam kết về tiến độ bồi thường, bàn giao mặt bằng thi công Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò.

Để có được kết quả nêu trên, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc về đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác dân vận; với phương châm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt trong quá trình thực hiện; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, quan tâm đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân, đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân đối với công tác bồi thường, GPMB. Qua thực tiễn, chúng tôi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm về “Dân vận khéo” trong GPMB như sau:

Một là, hệ thống chính trị cần vào cuộc một cách đồng bộ với quyết tâm chính trị cao trong công tác bồi thường, GPMB. Trong đó UBND tỉnh phải theo dõi, chỉ đạo kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng, hợp lý, hợp pháp của người dân theo nguyên tắc không phá vỡ chính sách về bồi thường, GPMB. UBND huyện và cán bộ chủ chốt ở địa phương phải cùng với Tổ công tác của tỉnh thường xuyên trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với nhân dân.

Hai là, cơ chế, chính sách về bồi thường, GPMB, tái định cư phải được công khai, minh bạch. Trường hợp có nhiều hộ dân phản đối hoặc chưa đồng thuận thì cần rà soát, xem lại cơ chế, chính sách áp dụng đã đúng hay chưa để có hướng trao đổi, thuyết phục, giải quyết hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết phù hợp cho từng trường hợp cụ thể, riêng biệt.

Ba là, xây dựng kế hoạch phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động. Trong đó, chú trọng xác định nội dung, thời gian, biện pháp cách làm gắn với cơ cấu thành phần, phân công lực lượng thực hiện phù hợp với địa bàn, phạm vi, đối tượng cụ thể và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện đối với từng nhiệm vụ được giao. Vận dụng tốt phương châm trong công tác dân vận, đó là “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, vững chắc”. Công tác dân vận phải tùy theo đối tượng để phân công lực lượng, lựa chọn hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công khai, minh bạch, công bằng, chính xác, đầy đủ, kịp thời về thông tin của dự án, về thực hiện các chính sách của dự án; về định hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gắn với bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Trong công tác vận động, cần chú trọng tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong gia đình thuộc diện phải GPMB. Tập trung vận động những gia đình có uy tín, có lợi thế trong xã hội, nhằm tạo niềm tin cho nhân dân noi theo.

Bốn là, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân gắn với tổng hợp, báo cáo, đề xuất với các cấp thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc chính đáng phát sinh trong thực tiễn; đồng thời tham mưu, phối hợp, theo dõi việc giải quyết những đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân, đảm bảo công bằng, kịp thời, đúng đối tượng.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông làm tốt công tác dân vận về tuyên truyền trong việc mở chuyên mục giải đáp những kiến nghị của nhân dân, tuyên truyền sâu chế độ chính sách của Nhà nước, quy định của tỉnh về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nêu gương tuyên dương những hộ đã gương mẫu chấp hành trong GPMB. Phối hợp với các cơ quan tư pháp hướng dẫn nhân dân giải quyết các tranh chấp dân sự trong nội bộ gia đình theo quy định của pháp luật./.

Huỳnh Thị Thùy Dung - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam

Gửi cho bạn bè