Thứ Năm, 26/12/2024
Sức lan tỏa từ những mô hình “Dân vận khéo” ở Hà Nam

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 71 mô hình “Dân vận khéo” đề nghị công nhận mô hình cấp tỉnh, trong đó 11 mô hình thật sự tiêu biểu đã và đang tiếp tục nhân rộng. Tiêu biểu về lĩnh vực kinh tế là mô hình “Câu lạc bộ (CLB) trồng bưởi sạch” của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Đồng Du, Bình Lục.

Ra mắt tháng 7/2019, sau 3 năm thực hiện, từ 36 thành viên ban đầu, nay mô hình đã có 53 thành viên; diện tích trồng bưởi tăng từ 4,2ha lên 7,5ha, tổng thu nhập đạt trên 3 tỷ đồng/năm. Mô hình thật sự đã phát huy tinh thần gương mẫu của hội viên CCB trong phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gia đình.

Là người có thu nhập cao từ trồng bưởi, CCB Nguyễn Văn Tuyết (An Bài 2, Đồng Du) phấn khởi cho biết: “Thực hiện mô hình, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào cấy lúa sang trồng bưởi, hằng năm cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Thông qua thực hiện mô hình thu được những lợi ích thiết thực trong phát triển kinh tế giúp cán bộ, hội viên CCB và người dân thêm hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chủ động tham gia cùng chính quyền cơ sở thực hiện các giải pháp xây dựng NTM hiệu quả, bền vững”. 

 

Mô hình “Dân vận khéo” trong cải tạo vườn tạp ở Trác Văn (thị xã Duy Tiên)


Nói về “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, không thể không nhắc đến mô hình “Tuyên truyền vận động hội viên và nhân dân thực hiện mô hình trồng ổi Đài Loan” (Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thanh Hương, Thanh Liêm), thực hiện từ năm 2019 tại thôn Đanh Nội. Hiện mô hình có 8 hộ tham gia với diện tích hơn 4,7ha, trong đó có 2,5ha cho thu hoạch quả quanh năm với giá ổn định, sản phẩm chất lượng, không đủ để cung ứng cho nhu cầu thị trường. Năm 2021 mô hình trồng ổi cho giá trị sản xuất bình quân 12-15 triệu đồng/sào.

Về lĩnh vực môi trường, mô hình “Dân vận khéo” mang tên “Tuyên truyền, hướng dẫn thực hành phân loại rác thải tại nguồn” (thực hiện điểm từ tháng 4/2019) tại Chi hội Phụ nữ thôn 3 Ngọc Lũ (Bình Lục) với 120 thành viên tham gia đã đem lại kết quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường.

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Bích Ngọc, đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại 45 đơn vị trong tỉnh với gần 4 nghìn thành viên tham gia. Tham gia xây dựng mô hình, các thành viên được tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng chống rác thải nhựa; hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn, quy trình ủ phân hữu cơ bằng thùng compost; được hỗ trợ nguyên liệu, men ủ, làn nhựa đi chợ… Qua mô hình, nhận thức của hội viên phụ nữ và người dân về bảo vệ môi trường nâng lên rõ rệt, giảm rác thải, tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. 

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình: “Điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi” (Tỉnh đoàn Hà Nam), “Cán bộ, hội viên nông dân Hà Nam thực hành tiết kiệm tặng bò vàng sinh sản cho hội viên, nông dân nghèo theo địa chỉ” (Hội Nông dân tỉnh), “Vận động nhân dân xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp” (Ban Dân vận Huyện ủy và khối dân vận Xuân Khê, Lý Nhân)... là những mô hình thể hiện rõ mục đích của CTDV.

Trong lĩnh vực này, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) cũng đã thực hiện mô hình “Dân vận khéo trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, tệ nạn ma túy”. Qua gần 3 năm thực hiện mô hình tại địa bàn thị xã Duy Tiên, đã có 12 người tham gia làm cộng tác viên bí mật cùng quần chúng cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng đấu tranh, triệt phá 4 chuyên án, bắt 6 đối tượng; triệt phá 6 đường dây mua bán, vận chuyển ma túy; giảm đối tượng nghiện ma túy từ 122 người (năm 2019) xuống còn 109 người (2021); phối hợp đấu tranh triệt phá 11 điểm phức tạp về ma túy, góp phần giúp Duy Tiên không có phường, xã trong diện trọng điểm, phức tạp về ma túy.

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là một trong những nhiệm vụ căn bản được xác định trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Chính vì vậy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tập trung tham mưu, hướng dẫn các địa phương xây dựng, nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” ở 100% xã, phường, thị trấn, tạo được điểm nhấn trong CTDV, góp phần rèn luyện ý thức, tác phong công tác của cán bộ, công chức (CBCC), đẩy mạnh cải cách hành chính. Thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” đã giúp các địa phương đổi mới nội dung, phương thức thực hiện CTDV của chính quyền; nâng cao đạo đức công vụ, phong cách phục vụ nhân dân, xây dựng đội ngũ CBCC ở cơ sở thân thiện, gần gũi, vì nhân dân phục vụ, góp phần từng bước chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ. Các thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết nhanh, gọn, giải quyết cả trong ngày thứ bảy, chủ nhật. 

Tại xã Hợp Lý (Lý Nhân), hơn 2 năm thực hiện mô hình đã giải quyết 100% TTHC trước hạn, đúng hạn. CBCC xã còn tới nhà trao kết quả giải quyết TTHC cho hơn 110 lượt công dân cao tuổi, người khuyết tật, lao động trong doanh nghiệp... Anh Nguyễn Văn Hanh (Tổ dân phố Bình Nam, thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục) chia sẻ: “Những năm gần đây, CBCC có sự thay đổi rõ rệt về tác phong công tác theo hướng gần gũi, coi trọng nhân dân; cán bộ đứng đầu chú ý lắng nghe, giải quyết kịp thời TTHC, yêu cầu, nguyện vọng chính đáng hợp pháp của nhân dân, thường xuyên cùng nhân dân lao động giữ gìn vệ sinh môi trường, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế…”.

Những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống đã và đang thiết thực góp phần lan tỏa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, khơi dậy sức mạnh đoàn kết và tinh thần cống hiến trong các tầng lớp nhân dân đối với công cuộc xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

(baohanam.com.vn) 

Gửi cho bạn bè