Những
năm qua, Thị ủy Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã bám sát vào nghị quyết đại
hội Đảng các cấp tiếp tục phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình
“Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện
đời sống vật chất cho nhân dân.
Từ năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Pú Trạng đã xây dựng mô hình trồng bí xanh lấy hạt tại Chi hội Phụ nữ bản Tân làm mô hình "Dân vận khéo" của Hội.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Pú Trạng Phạm Thị Hưng cho biết: "Đây là mô hình mới đối với hội viên phụ nữ trên địa bàn nên để nhiều hội viên tham gia, trước hết chúng tôi nêu rõ các nội dung khi tham gia thực hiện mô hình với các hội viên: Mô hình được Công ty TNHH Tân Lộc Phát hỗ trợ hạt giống cây trồng, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc, thuốc trừ sâu, bệnh cho đến khi thu hoạch mới thanh toán. Đồng thời, nhấn mạnh việc thời gian sinh trưởng và phát triển của bí xanh đến khi thu hoạch là 3 tháng, được bao tiêu sản phẩm và có dự kiến là cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng cây rau màu khác”.
Với sự giải thích, tư vấn cụ thể của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, 6 hộ đã tham gia mô hình với diện tích 2.800 m2. Thực tế triển khai cho thấy, 1.000 m2 làm mô hình trừ mọi chi phí cho thu nhập hơn 15 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng cây rau màu khác. Có hộ còn tận dụng lõi bí để chăn nuôi và ủ làm phân bón cây trồng. Hiện tại, mô hình đang duy trì tốt và phát triển.
Năm 2021, xã Sơn A có 4 hộ ở bản Cò Cọi tham gia trồng cây ngưu bàng trên diện tích bãi bồi 1 ha. Đây cũng chính là mô hình "Dân vận khéo" của Hội Nông dân xã Sơn A trong phát triển kinh tế xây dựng các loại cây chủ lực tăng cao thu nhập cho hội viên. Qua bước đầu thực hiện cho hiệu quả kinh tế, năm 2022 này, các hộ đã nhân rộng diện tích trồng lên 7 ha và được đưa vào làm mô hình giống cây chủ lực của xã.
Năm 2021, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng được 131 mô hình "Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế. Trong đó, nhiều mô hình phát triển thành các tổ hợp tác hiệu quả như: tổ hợp tác trồng bưởi, trồng cây ăn quả tổng hợp, trồng chè, trồng mận, trồng đào, trồng cây mướp đắng... tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và cho thu nhập ổn định từ 45-50 triệu đồng/người/năm.
Nhiều sản phẩm đã được đưa ra tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Mô hình trồng rừng ở Pú Trạng đã góp phần thực hiện chỉ tiêu trồng rừng - một chỉ tiêu khó của thị xã. Mô hình dịch vụ bánh truyền thống ở phường Trung Tâm không chỉ đem lại thu nhập cho người dân 4 triệu đồng/người/tháng mà còn góp phần gìn giữ, phát triển một số đặc sản địa phương phục vụ cho dịch vụ du lịch. Nhiều xã, phường đã quan tâm tuyên truyền, vận động xây dựng các mô hình trồng rau sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.
Các cơ quan, đơn vị như Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã đã tập trung giúp nhân dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp chất lượng cao của địa phương như: trồng cà chua gốc ghép trên gốc cà tím, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, trồng hoa cúc theo hướng hàng hóa..., góp phần đưa các chỉ tiêu phát triển kinh tế của thị xã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Các mô hình "Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế đã thúc đẩy phong trào thi đua lao động, sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ và hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, sản xuất liên kết theo chuỗi và hướng tới sản xuất hàng hóa chất lượng cao, giá trị cao.
(baoyenbai.com.vn)