|
Các
đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy trò chuyện với người dân và
thành
viên Tổ dân vận cộng đồng thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm (Yên Thế).
|
Cộng đồng hưởng ứng
Vào điện thoại xem các thông tin ở nhóm zalo Tổ dân vận cộng đồng giờ đây là việc làm thường xuyên của chị Phạm Thị Lệ, Trưởng thôn Mai Hoàng, xã Phúc Sơn. Thôn có 245 hộ, so với các thôn khác trong xã, Mai Hoàng có diện tích rộng nhất. Thôn thành lập 6 tổ dân vận cộng đồng, mỗi tổ có 5 thành viên, phụ trách hơn 40 hộ.
Theo chị Lệ, do có kinh nghiệm tổ chức hoạt động từ các tổ Covid cộng đồng trước đó nên việc triển khai các nhiệm vụ mới khá thuận lợi. Các tổ lập danh sách thành viên từng gia đình, thành lập nhóm zalo gồm đại diện thành viên các hộ để trao đổi thông tin hai chiều. Ở mỗi tổ đều có thành viên là đại diện lãnh đạo thôn hoặc trưởng hội, đoàn thể để nắm bắt thông tin từng ngõ, xóm.
Mô hình tổ dân vận cộng đồng giúp lãnh đạo xã hằng ngày nắm được nhiều thông tin hữu ích cũng như tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân. Bởi không chỉ kết hợp tuyên truyền 3 nhiệm vụ chính là: Phòng, chống dịch Covid-19, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ môi trường, các thành viên còn phản ánh toàn diện, kịp thời những vấn đề phát sinh trong cộng đồng dân cư đến cấp ủy, chính quyền để có biện pháp giải quyết.
Mặt khác, các tổ dân vận cộng đồng hình thành trên cơ sở người dân tự nguyện tham gia, có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân.
Tại xã Đồng Tâm, công tác tuyên truyền, giám sát về an ninh trật tự của 6 tổ và 22 nhóm dân vận cộng đồng hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Công an xã đã tham mưu thực hiện mô hình "Camera giám sát an ninh trật tự và bảo vệ môi trường". Hiện xã đã lắp đặt 45 camera tập trung tại ngã ba, ngã tư các tuyến đường liên xã, liên thôn, đặc biệt là tại khu vực đông dân cư, điểm công cộng.
Ngoài ra, các tổ dân vận tích cực vận động các gia đình, doanh nghiệp lắp, điều chỉnh gần 200 camera hướng ra các trục đường và chia sẻ, kết nối dữ liệu về hệ thống máy chủ đặt tại UBND xã. Nhờ vậy, tình hình ANTT được giữ vững; các thành viên trong tổ thường xuyên nhắc nhở người dân duy trì vệ sinh đường làng, ngõ xóm, hiện không còn tình trạng xả rác không đúng nơi quy định.
Ngay sau khi được chọn thí điểm mô hình này, xã Phúc Sơn đã thành lập 37 tổ; xã Đồng Tâm thành lập 6 tổ. Quá trình triển khai, Ban Thường vụ Huyện ủy hai huyện giao cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Huyện ủy, UBND huyện, trên lĩnh vực phụ trách của mình trực tiếp phân công cán bộ chỉ đạo, theo dõi các tổ, đồng thời tham gia vào tổ hướng dẫn, giám sát của huyện.
Tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh thuận lợi, các đơn vị thực hiện còn gặp những khó khăn chung như: Kinh phí hỗ trợ, việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo, ghi chép sổ sách của các tổ, nhóm còn hạn chế; một số người không có điện thoại thông minh... Để tháo gỡ, các địa phương thí điểm mô hình đã quan tâm và có những giải pháp từng bước khắc phục.
Ví như để có thêm kinh phí hoạt động, huyện chỉ đạo các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ kinh phí; các xã, thôn tích cực vận động nguồn xã hội hóa. Để cung cấp tài liệu tuyên truyền đến người dân, các huyện đề nghị Công an, Phòng Tài nguyên và Môi trường biên tập bộ tài liệu, tờ rơi tuyên truyền xung quanh 3 chủ đề chính về giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch và cấp phát đến các tổ.
Đồng chí Lương Minh Thành, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn cho biết: "Nâng cao kỹ năng điều hành ở các tổ dân vận cộng đồng, địa phương quan tâm tập huấn, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ theo hình thức cầm tay chỉ việc. Cùng đó trang bị sổ sách ghi chép thông tin theo mẫu thống nhất chung bảo đảm khoa học. Nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền được thể hiện sinh động hơn, ngoài tuyên truyền trực tiếp đến hộ gia đình, tổ còn thực hiện qua loa truyền thanh của thôn, các pano, áp phích, tờ rơi...".
Qua thời gian đầu thực hiện, kinh nghiệm được các địa phương rút ra đó là, cấp ủy, chính quyền phải quán triệt sâu sắc về vị trí, vai trò của mỗi tổ, đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ hoạt động.
Quan tâm phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội trong việc vận động đoàn viên, hội viên. Ngoài ra, xác định cụ thể nội dung, phạm vi, phương pháp tham gia của tổ dân vận cộng đồng trong giữ gìn ANTT, phòng, chống dịch, bảo vệ môi trường.
Đồng chí Thân Văn Nghiệp, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị Ban Dân vận Huyện ủy Tân Yên và Yên Thế tiếp tục chỉ đạo Tổ giám sát, hướng dẫn của huyện phối hợp với Đảng ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng thí điểm tổ dân vận cộng đồng ở 2 xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các tổ thực hiện.
Các xã thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, nhóm dân vận cộng đồng gắn kết với hoạt động tự quản ở khu dân cư. Trên cơ sở đánh giá kết quả một năm thực hiện thí điểm, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ nghiên cứu, đề xuất việc nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh theo hướng mở rộng thêm một số nhiệm vụ khác ngoài 3 nhiệm vụ mà các tổ thí điểm đang thực hiện".
(baobacgiang.com.vn)