Thứ Năm, 26/12/2024
Gặp những “đại thụ” giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở Sa Thầy

Giúp dân tạo ra nhiều chuyển biến

Tôi không thể rời mắt, ngừng nghe trước phần tham luận của già làng A Nuih (dân tộc Rơ Ngao) ở thôn Đăk Wớk Yốp (xã Hơ Moong) tại buổi gặp mặt. Ở tuổi 72, nhưng trông già A Nuih vẫn rắn rỏi, vững chắc như cây lim giữa rừng già và giọng nói sang sảng: Thôn Đăk Wớk Yốp, xã Hơ Moong có 100% dân số là người DTTS, chính vì vậy khi triển khai Cuộc vận động, ban đầu vẫn có nhiều người dân không đồng tình, ủng hộ. Để bà con hiểu và làm theo, tôi đến từng nhà nói chuyện, nắm bắt tâm tư và vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục không còn phù hợp.

“Để giúp dân làm theo, tôi không ngừng học hỏi, tiếp thu nhiều kiến thức mới, nhất là giống cây trồng mới, cách trồng, chăm sóc theo khoa học công nghệ để vận động bà con thay đổi phát triển kinh tế sao cho phù hợp” - già A Nuih tâm sự.

Nhờ sự góp sức tuyên truyền của già A Nuih trong việc chuyển đổi cây trồng và thực hiện Cuộc vận động, đến nay, đồng bào DTTS trong thôn đã phát triển 27,5ha cà phê, 2,5ha cao su, hơn 2ha cây ăn quả. Ngoài ra, toàn thôn có 92 hộ có thuyền bè đánh bắt thủy hải sản tại lòng hồ thủy điện Plei Krông. Nhìn chung, các mô hình thực hiện đều đạt hiệu quả cao, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng ổn định. Già A Nuih tự hào kể vanh vách tên những hộ nông dân sản xuất giỏi của thôn như: A Muih, A Vai, A Nũi…

Còn tại thôn Khúc Na, xã Sa Bình, già làng A Chiêu cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được từ nhiều năm trước, cùng sự quyết liệt thực hiện Cuộc vận động, đến nay bà con trong thôn đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết tiết kiệm, tích luỹ vốn để tái đầu tư vào sản xuất. Toàn thôn trồng được 65ha cao su; 11ha cà phê, 8,5ha cây ăn quả các loại; trồng 35ha rừng bạch đàn; 6 hộ thực hiện mô hình nuôi heo sọc dưa; 3 hộ thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo… Các mô hình trên đang từng bước giúp người dân xây dựng cuộc sống ổn định và phát triển hơn.

 

Già làng A Ghinh tích cực vận động tuyên truyền người dân


Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện, từ đầu năm đến nay, các già làng, người có uy tín đã tích cực tham gia vận động nhân dân thực hiện tốt Đề án cải tạo vườn tạp, đến nay các xã, thị trấn đã triển khai cải tạo được 23,8 ha vườn tạp/235 hộ dân.

Đồng chí Rơ Châm Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện ghi nhận, bên cạnh sự tích cực vận động, tuyên truyền của chính quyền, các cấp, các ngành, tiếng nói và uy tín của các già làng đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm đối với bà con phát triển kinh tế; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Các già làng còn phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc động viên con em trong độ tuổi ra lớp, chăm chỉ học tập, không bỏ học giữa chừng; tích cực tham gia các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng thôn, làng vững mạnh.

Còn trăn trở bởi hủ tục

Các già làng, người có uy tín đều có một nhận định chung và trăn trở rằng, việc vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, phát triển kinh tế khó 1, thì tuyên truyền xóa bỏ hủ tục khó gấp 10 lần. Bởi theo bà con, những phong tục đã truyền từ đời này sang đời khác, thành nếp sống, khó xóa bỏ.

 Già làng A Ghinh ở thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi bộc bạch: Đúng là hủ tục rất khó bỏ, nhưng không phải không có hướng gỡ khó. Trước đây, tôi từng làm Bí thư Đảng ủy xã Kờ Kơi, bà con ở đây có rất nhiều hủ tục, kiêng cữ đủ thứ. Và để thay đổi, trước tiên mình phải làm gương. Ví như ngày xưa, bà con người Hà Lăng kiêng cữ việc xây nhà ở hai bên đường, họ có phong tục xây nhà thành từng cụm. Nhiều lần tôi tuyên truyền, vận động họ ra ở nhưng không chịu, chính vì thế tôi đã chuyển ra ở đầu tiên, sau đó nhiều người cũng ra ở theo. Giờ đây, hai bên đường, bà con ở san sát nhau.

Ông A Ghinh kể tiếp, ngày trước bà con nơi đây có thói quen cúng bái khi đau ốm, thầy cúng nói cúng con gì cũng về cúng con đó, rất lãng phí, cúng xong không khỏi mới đến trạm y tế xã, bệnh viện để khám. Để giúp bà con bỏ dần hủ tục này, tôi tuyên truyền bà con hãy đến trạm y tế xã, bệnh viện để khám bệnh mỗi khi đau ốm. Đồng thời, chính bản thân tôi khi ốm đau đều đi khám bệnh. Nhiều bà con thấy tôi khám và chữa hết bệnh về khỏe mạnh nên đã tin và làm theo.

“Ngoài ra, ở thôn Rờ Kơi này, tuy không còn tục ma chay kéo dài, chết xấu, nhưng thi thoảng vẫn còn hủ tục nợ miệng. Đây là hủ tục rất khó bỏ vì người Hà Lăng rất giữ lời hứa và quý trọng người thân, nên đã nợ miệng là phải trả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ từng bước cố gắng đẩy lùi hủ tục này” - già A Ghinh cho hay.

Đồng tình với già A Ghinh, già A Nuih cho biết, hiện nay, khó khăn nhất là vận động bà con xóa bỏ tục nợ miệng khi tổ chức ma chay. Hủ tục này đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người đồng bào DTTS. Vì vậy, để xóa bỏ hủ tục này, cần phải có thời gian và sự vào cuộc, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện, xã đến thôn, làng.

Quyết tâm xóa bỏ hủ tục cũng được già làng A Chiêu khẳng định: Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, chúng tôi tranh thủ các ngày hội của thôn, làng, các ngày cưới hỏi của gia đình… để vận động xóa bỏ dần các hủ tục, phong tục không còn phù hợp xây dựng cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc. Là một già làng uy tín, tôi xin hứa trước Hội nghị, thôn Khúc Na, xã Sa Bình phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ thực hiện có hiệu quả các nội dung Cuộc vận động và xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trong đồng bào DTTS trên địa bàn thôn.

Theo đồng chí Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sa Thầy, việc xóa bỏ dần và xóa bỏ các hủ tục bước đầu được nhân dân đồng tình, nhưng để triệt để xóa bỏ thì còn là vấn đề lâu dài. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là phải phát huy được vai trò “đầu tàu”, gương mẫu của các vị già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác tuyên truyền, vận động.

Việc 77 già làng, người uy tín cùng ký vào bản cam kết thực hiện Cuộc vận động và tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp thể hiện quyết tâm cao trong việc đẩy lùi những tập tục lạc hậu, đem đến cuộc sống văn minh, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

(baokontum.com.vn) 

Gửi cho bạn bè