Tỉnh
Sơn La có trên 274 km đường biên giới, gồm 125 cột mốc quốc giới tiếp
giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng, nước CHDCND Lào, khu vực
biên giới của tỉnh có 6 huyện, 17 xã, 72 bản giáp biên giới. Những năm
qua, khu vực biên giới của tỉnh Sơn La luôn được các cấp, các ngành quan tâm hỗ
trợ, ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, ổn
định đời sống nhân dân, nhất là đối với các xã, bản đặc biệt khó khăn;
công tác xây dựng Đảng được chú trọng, hệ thống chính trị ở cơ sở được
giữ vững... Có được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng
Bộ đội Biên phòng tỉnh trong công tác "dân vận khéo".
|
Cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng Tương hướng dẫn nhân dân chăm sóc vườn cây ăn quả trên đất dốc.
|
Thượng tá Đỗ Văn Đông, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: Nâng cao hiệu quả công tác “dân vận khéo”, phát huy phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ”, lực lượng biên phòng đã tập trung xây dựng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực tuyên truyền, vận động; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chương trình an sinh xã hội, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cụ thể hóa phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2012 - 2022, BĐBP tỉnh đã lựa chọn và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy của 6 huyện biên giới, bố trí 17 đồng chí tham gia cấp ủy, giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã, phụ trách công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở của các xã biên giới. Tham mưu cho Đảng uỷ, chính quyền các xã, bản biên giới củng cố được hơn 170 tổ chức cơ sở; bồi dưỡng, giúp đỡ trên 1.500 quần chúng, tạo nguồn phát triển đảng; kết nạp 548 đảng viên mới; củng cố, kiện toàn 34 cấp ủy, chi bộ. Đồng thời, phân công 255 đảng viên các đồn biên phòng giúp đỡ 645 hộ dân ở khu vực biên giới; phân công 70 đảng viên tham gia sinh hoạt cùng các chi bộ bản giáp biên giới.
Phát huy hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện 24 mô hình “Dân vận khéo” ở các lĩnh vực xây dựng Đảng, củng cố chính quyền ở cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới. Qua rà soát, thẩm định, đánh giá các mô hình cho thấy, nhiều đơn vị có nhiều cách là hay và sáng tạo, nhiều mô hình có tính khả thi cao, có sự lan tỏa. Tiêu biểu là các mô hình: “Nâng bước em tới trường - con nuôi đồn Biên phòng”, “Tự chủ, tự quản đường biên cột mốc”, “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Bữa sáng cho em”...
Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP và các đơn vị cơ sở đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường đầu tư các công trình, dự án cho các xã biên giới tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, lồng ghép với các chương trình định canh, định cư, xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình cụ thể, thiết thực. Điển hình là trồng 4,7 ha, với 1.800 gốc cây mận hậu tại xã Chiềng Tương (Yên Châu); mô hình trồng 2,6 ha chanh leo tại xã Lóng Sập (Mộc Châu); trồng cỏ cao sản nuôi bò nhốt chuồng, nuôi cá giống và vịt giống tại xã Mường Lạn (Sốp Cộp)… Từ năm 2012 đến nay, đã phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng 17 ngôi nhà đại đoàn kết, 1 nhà làm việc của xã, 3 cầu treo dân sinh; vận động các tổ chức và cá nhân đồng hành ủng hộ xây dựng 12 phòng học, phòng công vụ. Tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các nhà trường trị giá gần 7 tỷ đồng; hơn 500 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp sửa chữa, làm mới 94 nhà; hỗ trợ sản xuất 709 hộ nghèo, trị giá 261 triệu đồng.
Chia sẻ với những vất vả, khó khăn của học sinh khu vực biên giới, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thường xuyên nhận đỡ đầu 90 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; có 10 cháu được đón về nuôi tại đồn Biên phòng; tổ chức bữa ăn sáng cho 142 cháu. Các đồn Biên phòng phân công các “Thầy giáo quân hàm xanh” phối hợp tham gia giảng dạy 15 lớp học xoá mù chữ cho 437 học viên khu vực biên giới . Các chương trình, mô hình có ý nghĩa nhân văn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao; tạo sự đồng thuận ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài đơn vị tham gia thực hiện.
Trung tá Đinh Văn Quang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Lạnh cho biết: Thực hiện "4 cùng" với đồng bào, những năm qua, đơn vị đã hỗ trợ nhân dân xây dựng mô hình trồng cây cam trên đất dốc tại bản Nà Mòn, Cáp Ven, xã Mường Và; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp mở lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 cho 42 học viên tại bản Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh; duy trì Chương trình “Nâng bước em tới trường”, nhận đỡ đầu 3 học sinh, trong đó có 1 học sinh ở cụm Mường Pợ, huyện Mường Son, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào)... góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Bằng những việc làm cụ thể, “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tiếp tục thi đua thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo”, kịp thời đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với đồng bào khu vực biên giới, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
(baosonla.org.vn)