Thứ Năm, 31/10/2024
Hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” ở Càng Long

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Càng Long được các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quan tâm, triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu, khuyến khích nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Mô hình vườn kiểu mẫu của bà Nguyễn Thị Mỹ A, ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long
góp phần cùng địa phương xây dựng ấp NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao.


Đồng chí Nguyễn Minh Niên, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Càng Long cho biết: thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Trung ương và tỉnh phát động, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Dân vận Huyện ủy - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo huyện về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn huyện.

Năm 2022, toàn huyện có 559 điểm mô hình “Dân vận khéo” (150 điểm mô hình tập thể và 409 điểm mô hình cá nhân) đăng ký thực hiện trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 79 điểm mô hình, văn hóa - xã hội có 140 điểm mô hình, an ninh - quốc phòng có 07 điểm  mô hình và xây dựng hệ thống chính trị có 333 điểm mô hình. Qua kiểm tra, đánh giá chất lượng các mô hình, có 98 điểm mô hình đạt hiệu quả được biểu dương, khen thưởng.

Trong lĩnh vực kinh tế và tham gia XDNTM có nhiều mô hình “Dân vận khéo” được triển khai thực hiện hiệu quả như: nuôi lươn sinh sản của ông Nguyễn Văn Chí, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Đừa Đỏ 3, xã Nhị Long Phú; ươm cây giống và bầu- ghép cây có múi của ông Nguyễn Đức Luân, ấp 5A, xã An Trường; Xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp gắn nuôi bò sinh sản, góp phần xây dựng Hội vững mạnh tại ấp 4A, xã An Trường của Hội Nông dân huyện Càng Long…

Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị”… các mô hình đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội giúp đỡ người nghèo, người khó khăn, cô đơn, học sinh nghèo hiếu học, tạo sức lan tỏa và nhân rộng trong toàn huyện.

Điển hình như mô hình “Vận động an sinh xã hội để chăm lo hộ cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn” của tập thể Chi bộ ấp Tân Hạnh, xã Đại Phúc đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ 180 phần quà, trị giá 64 triệu đồng giúp 180 lượt hộ cận nghèo và hộ khó khăn trên địa bàn xã.

Bên cạnh đó, những mô hình mang tính giáo dục giúp cho học sinh có ý thức tiết kiệm, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan trường học, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp tạo cảm giác thân thiện về trường lớp học đồng thời gây quỹ hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn như: mô hình “Ngôi nhà phân loại rác thải tặng quà cho học sinh góp phần bảo vệ môi trường” của ông Nguyễn Văn Nhớ, giáo viên Trường Tiểu học Tân Bình A, xã Tân Bình đã tặng 11 suất học bổng trị giá trên 3,3 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường.

Mô hình “Hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ sinh kế cho 13 hội viên hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 42 triệu đồng. Mô hình đã góp phần tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, tăng thu nhập cho gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sau khi khi được tuyên truyền, vận động nhiều gia đình đã thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy tinh thần vượt khó, ý chí tự vươn lên thoát nghèo, đời sống không ngừng cải thiện. Việc thực hiện và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện đã lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa trong cộng đồng dân cư. Điển hình như mô hình “Xây dựng vườn kiểu mẫu trong ấp nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao” của bà Nguyễn Thị Mỹ A, ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ.

Gia đình bà Mỹ A là một trong những hộ dân có diện tích đất vườn khoảng 0,8ha trồng dừa và bưởi da xanh, năm 2022 được địa phương hướng dẫn bà Mỹ A thực hiện mô hình “vườn kiểu mẫu” có lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.

Bà Mỹ A chia sẻ: nhờ phù hợp thổ nhưỡng, cây trái trong vườn phát triển tốt, quả to, đẹp, thương lái đến tận vườn để thu mua nông sản. Với giá bán dao động từ 16.000 - 20.000 đồng/kg bưởi thương phẩm và 60.000 đồng/chục dừa tươi (12 trái), mỗi năm, gia đình bà Mỹ A thu nhập khoảng 170 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 100 - 120 triệu đồng/năm.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Niên, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” là tạo điểm nhấn trong công tác dân vận, nên từ nội dung, phương thức phải thật sự thiết thực và hiệu quả. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt là từ đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng... nhằm tạo nền tảng vững chắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, đơn vị; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(baotravinh.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất