Thứ Năm, 26/12/2024
Người đi nối nhịp bờ vui

 Chiếc cầu nối bờ vui được khánh thành ở xã Mỹ Hòa Hưng

Năm 2010, khi đã ở tuổi 62, đương nhiệm Trưởng Ban Quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chú Tám Tri nhận quyết định hưu trí sau hơn 32 năm công tác và 31 năm tuổi Đảng. Ngày làm việc cuối cùng trước khi chính thức bước vào tuổi “nghỉ ngơi”, đứng trên mảnh đất cù lao Ông Hổ thân yêu, nhìn dòng sông Hậu hiền hòa đỏ quạch phù sa, chú chiêm nghiệm lại đời mình, với một câu hỏi thường trực: Mình đã hoàn thành nhiệm vụ với quê hương chưa? Nhìn những chiếc cầu ván tạm bợ đang xuống cấp, những đoạn đường sình lầy, phần nào ngăn cách các vùng sâu trong kênh rạch vươn lên, lòng người Đảng viên Tám Tri không nguôi trăn trở.

Năm 2011, xã Mỹ Hòa Hưng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên vẫn còn “nợ” 10 cây cầu gỗ đang xuống cấp, với lời hứa, phải xây dựng xong trước năm 2020. Với nguồn ngân sách có hạn, để xây dựng 10 cây cầu bê tông trên 8 tấn với giá thị trường trên 10 tỷ đồng/cây, quả là không phải việc dễ dàng. Lúc bấy giờ, chính quyền xã Mỹ Hòa Hưng đã nghĩ ngay đến chú Tám Tri - người “già làng” đầy uy tín và tâm huyết với địa phương.

Được chính quyền và nhân dân trong xã tin tưởng, chú Tám Tri vui vẻ nhận lời. Nhưng nỗi lo trước mắt là làm sao để nắm được sâu kiến thức về cầu đường hơn, thì mới có thể “chỉ huy công trình” đảm bảo chất lượng, mà không làm lãng phí niềm tin cũng như tiền của đóng góp của nhân dân. Ý thức của một người Đảng viên, nhớ lời Bác Hồ dạy “tuổi cao chí khí càng cao”, chú quyết tâm “đi học”. Dành ra mấy tháng ròng rã, người ta lại thấy chú Tám Tri lặn lội đi gặp gỡ nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, thậm chí cả những người cất cầu nông thôn nổi tiếng trong và ngoài tỉnh để bắt đầu học hỏi một cách chi tiết, từ cách đóng cừ, làm dầm, đổ đà, chọn sắt… Trong những lần “đi học” ấy, dù cầu chưa xây dựng nhưng không ít người đã thấy được sự nhiệt huyết, chân thành và cầu thị của người cán bộ về hưu này, họ không ngần ngại đóng góp tiền xây cầu ngay, như góp thêm “lửa” cho chú Tám “nung những viên gạch niềm tin” ngày một rắn chắc hơn.

Khi đã có được những kiến thức cần thiết để xây dựng cầu nông thôn, việc tiếp theo không kém phần quan trọng là nhân lực và vật lực. Nhớ lời Bác Hồ nhắc lại câu ca dao mà đồng bào ta thường nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Với kinh nghiệm nhiều năm sống và đến với nhân dân, chú nghiệm ra rằng, có dân giúp sức, ủng hộ và tin tưởng chính là bí quyết để chú xây dựng nên những chiếc cầu. Với chữ “tín” của người Đảng viên suốt mấy mươi năm qua sống và đến với dân, chú Tám Tri lặn lội khắp nẻo cù lao, vận động nhân dân góp sức xây cầu, từ sức người đến sức của. Bất cứ nơi đâu chú đến, nỗi niềm và sự trăn trở trong lòng bấy lâu của chú đều được người dân đồng cảm, thấu hiểu. Chú nhận ra rằng, niềm trăn trở ấy cũng là niền trăn trở của nhân dân.

 Không lâu sau, chú Tám Tri đã có được một nguồn quỹ và sự đồng lòng giúp đỡ của đông đảo nhân dân. Với sự giúp sức của chú Ba Khum - người nổi tiếng đi xây cầu nông thôn ở An Giang, cuối năm 2011, chú Tám Tri đã cùng nhân dân địa phương tiến hành xây dựng cây cầu nông thôn đầu tiên ở Mỹ Hòa Hưng bằng 100% vốn từ nguồn xã hội hóa. Hầu hết những người tham gia xây dựng cầu đều theo chữ “tín” của chú Tám Tri mà chung tay vào xây dựng. Hơn 100 người tự nguyện đóng góp công sức tham gia xây dựng cầu, với gần 1.000 ngày công trong suốt 2 tháng ròng rã.

Chưa bao giờ trên “công trường” của chú vắng tiếng cười vui lao động, sự thân tình và nhiệt huyết của đông đảo quần chúng nhân dân. Chú Tám Tri - người đảng viên lão thành, dường như cũng hòa lẫn vào với nhân dân, không câu nệ, lăn xả trộn hồ, đội mưa đổ đà chẳng khác gì một công nhân. Chính bầu không khí đầy nhiệt huyết “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà chú Tám Tri thắp lên ấy, đã lan tỏa đến mọi “công nhân trên công trường” tinh thần làm cầu đầy trách nhiệm và nhiệt huyết. Họ chăm chút từ cọng dây buộc khung thép đến cây sắt ruột dầm, để cho cầu được bền lâu, chất lượng nhất có thể; họ tiết kiệm từng xô hồ đến nắm cát, không quản khó nhọc, mặc kệ thời gian quá giờ tan ca hành chính, miễn còn hồ dư là còn đổ, không để phí phạm một chút mồ hôi công sức đóng góp nào của bà con. Bởi từ chị bán rau, chú bán vé số đến ông mù hành khất, ngày nào cũng ghé gửi vài chục ngàn để xây cầu, với niềm gửi gắm, “ông Tám Tri làm là tui tin, ủng hộ hết mình, xưa nay vậy chứ không phải mới đây!”. Kết quả ấy, không chỉ được kết tinh từ tinh thần “dân vận khéo” mà còn được chú Tám Tri hiện thực hóa hết sức tự nhiên, bằng cả tấm lòng và nhiệt huyết.

Mặc dù trong suốt 4 năm liền, ông được 11/11 lần bầu chọn làm “tổng chỉ huy công trình” xây dựng cầu từ các cuộc họp dân hết sức thẳng thắn và dân chủ nhưng với vai trò một người Đảng viên, chú đã đưa công trình xây dựng cầu của mình thật sự đến với nhân dân. Công khai, minh bạch, lắng nghe và tiếp thu ý kiến nhân dân thông qua nhiều cuộc họp khởi công, sơ kết, tổng kết trước dân để đạt được sự đồng thuận cao nhất, làm sao để mỗi cây cầu khi xây dựng nên, không chỉ được đúc kết từ từng viên gạch của dân mà còn là cầu nối đoàn kết của mọi nhà. Người ta thường nói, hành động làm nên nhân cách, và nhân cách một người Đảng viên trong sáng, nhiệt tình, hết lòng vì dân ấy đã quy tụ được lòng người, tạo nên sức mạnh của toàn dân, hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mỗi công trình đều được “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Có lần chú Tám Tri nói vui với chúng tôi rằng: “cây cầu đầu tiên xây xong, tôi công khai tài chính trước nhân dân, dư ra được 200 triệu. Cái dư ấy thấy vậy mà đã mồi lửa cho những cây cầu khác ra đời”. Ngay khi vừa tổng kết cây cầu thứ nhất xong, nhân dân trong xã tại tin tưởng, đề cử chú Tám Tri và đội xây cầu của chú tiếp tục nhận vận động và xây dựng những câu cầu tiếp theo. Khi cầu đã có, chú lại canh cánh và bắt tay vào tiếp tục với những đoạn đường đất, để rồi những chiếc cầu nối đôi bờ, nối những đoạn đường không còn sình lầy mỗi mùa mưa đến, để khi bon bon trên đường đến với nhân dân, chú càng thấy không có gì có thể ngăn bước mình đến với bà con để lắng nghe và thấu hiểu.

Vậy là trong gần 4 năm (2017 - 2020), chú Tám đã hoàn thành “vượt chỉ tiêu” lời hứa với nhân dân, xây dựng 11/10 cây cầu bê tông nông thôn, mà chiếc cầu nào cũng được thẩm định đảm bảo đầy đủ về mặt chất lượng, luôn vượt chỉ tiêu về trọng tải theo yêu cầu về cầu nông thôn, nhưng lại giảm hơn một nửa kinh phí xây dựng, không quá 5 tỷ đồng/cầu (so với giá thị trường là 15 tỷ đồng/cầu). Để đến đầu năm 2021, xã Mỹ Hòa Hưng chính thức đạt đủ các tiêu chí, được công nhận “xã nông thôn mới nâng cao” và “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” 5 năm liền (2015 - 2019). Thành quả này, nhờ một phần không nhỏ từ sự thắp lửa của người Đảng viên lão thành, nhiệt huyết và uy tín Tám Tri. Chú đã xây nên một khối đại đoàn kết toàn dân, từ những chiếc cầu “ý Đảng - lòng dân”.

Bây giờ, khi những chiếc cầu ván tạm bợ đã được thay thế bằng cầu bê tông, chúng tôi vẫn thấy chú Tám Tri lặn lội theo đội từ thiện đi cất nhà, vá đường; đôi khi lại thấy chú đem thuốc men đến tặng cho các cụ già ở sâu trong ngọn rạch cù lao. Để rồi khi đến cù lao Ông Hổ, hỏi thăm chú Tám Tri, ai nấy cũng sẽ có một câu chuyện kể về người Đảng viên này, như kể về người bà con, hàng xóm hết sức thân quen và kính trọng. Nhìn những nhịp cầu bê tông kiên cố, đưa quê hương Bác Tôn khởi sắc, chúng tôi mường tượng rằng lúc này, những chiếc cầu không chỉ nối liền đôi bờ, mà còn dựng xây nên mối đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, mà chú Tám Tri chính là một “thợ xây” lặng lẽ, tận tâm và cần mẫn./.

Phương Anh

Gửi cho bạn bè