Triển
khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) có
nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn đem lại hiệu quả thiết
thực, góp phần huy động sức mạnh toàn dân tham gia phát triển kinh tế -
xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Xác định vai trò quan trọng của “Dân vận khéo” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban Dân vận Huyện ủy chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị đăng ký xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Đến nay, toàn huyện có 118 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị. Qua triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Xã Trung Kênh là địa phương có đất nằm trong quy hoạch Dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, đoạn tuyến qua địa bàn huyện Lương Tài với diện tích thu hồi gần 6,4 ha của 116 hộ. Trong đó, diện tích thu hồi đợt 1 là 3,8 ha của 79 hộ.
Đồng chí Đỗ Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Trung Kênh cho biết: “Xác định giải phóng mặt bằng là khâu then chốt để Dự án được triển khai theo đúng tiến độ, ngay sau khi có chủ trương thu hồi đất của UBND huyện, xã thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng. Ban Chỉ đạo lấy đội ngũ cán bộ, đảng viên, ủy viên Ủy ban MTTQ và Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện. Các thôn tổ chức họp thông báo tới người dân có đất trong diện phải thu hồi về quy hoạch của Dự án; chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước về giải phóng mặt bằng; tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích của Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn bộ quá trình đo đạc đất đai, kiểm đếm tài sản, chi trả đền bù thực hiện với tinh thần công khai, minh bạch, dân chủ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đều được người dân có đất trong Dự án đồng thuận, ủng hộ cao. Đến nay, 100% hộ dân có đất trong diện thu hồi nhận tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, không có hộ nào phải cưỡng chế”.
Xã An Thịnh là địa phương đầu tiên của huyện Lương Tài về đích Nông thôn mới (NTM) nâng cao. Ngay sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2018, với quan điểm xây dựng NTM có khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, xã An Thịnh phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội xã, Tổ Dân vận các thôn xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện nhiệm vụ của từng tổ chức, khu dân cư, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, như: Phát triển thương hiệu tỏi An Thịnh; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; tham gia làm sạch môi trường, phân loại rác thải tại nguồn; đảm bảo an ninh trật tự;… thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: “Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng cao của các tầng lớp nhân dân, hiện An Thịnh đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, trường học, đường giao thông, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi được xây dựng khang trang. Đời sống người dân được nâng cao với thu nhập bình quân đạt hơn 61 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,89%; hằng năm xã có hơn 90% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 7/7 thôn đạt và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa 4 năm liên tục (từ năm 2018-2021).
Với việc triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình địa phương, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tại huyện Lương Tài đã khơi dậy, phát huy tinh thần trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng quê hương ngày càng hiện đại và văn minh. Huyện đạt chuẩn NTM từ năm 2019, hiện đang trong lộ trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tổng số tiêu chí NTM nâng cao của huyện đạt 214 tiêu chí, bình quân đạt gần 16,5 tiêu chí/xã. Trong đó, xã An Thịnh đạt 19/19 tiêu chí; 2 xã Bình Định và Trung Chính đạt 14 tiêu chí; 10 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, riêng 2 xã Lâm Thao và Trung Kênh đạt 17/19 tiêu chí, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022.
(baobacninh.com.vn)