Thứ Năm, 26/12/2024
Thái Nguyên tích cực xây dựng các mô hình dân vận khéo
 

Do được dân vận tốt nên người dân xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên)
đã hiến trên 12.000m2 đất để mở rộng đường giao thông.


Thấm nhuần và vận dụng hiệu quả quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ về công tác dân vận: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII để tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Hàng năm, cấp ủy các cấp trong tỉnh đều kịp thời sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận đối với cả hệ thống chính trị. Từ đó phát huy vai trò công tác dân vận trong phòng, chống dịch bệnh, khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả ở mọi mặt đời sống để từ đó đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng ra cộng đồng.

Đến tháng 9-2022, toàn tỉnh có 2.157 mô hình “Dân vận khéo” ở tất cả các lĩnh vực, như: Kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.

Nhiều điển hình tập thể, cá nhân “Dân vận khéo” có tính lan tỏa cao trong cộng đồng, góp phần thiết thực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị chung. Đặc biệt, công tác này đã thể hiện và khẳng định rõ tầm quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng cơ sở hạ tầng dân cư, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Đồng chí Lê Khương Duy, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên, cho biết: Do làm tốt công tác dân vận nên từ các vụ việc phát sinh hay nhiệm vụ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được triển khai, giải quyết khá tốt. Riêng vài trò của công tác dân vận trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa thì rất hiệu quả. Vừa qua, địa phương đã dân vận để hoàn thành việc vận động nhân dân hiến trên 12.000m2 đất thi công trên 4km đường giao thông.

Ngoài mô hình dân vận khéo trong hiến đất làm đường ở xã Phúc Trìu, Ban Dân vận Thành ủy Thái Nguyên còn thực hiện mô hình dân vận trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại phường Phan Đình Phùng và đã đem lại nhiều kết quả, sức tỏa lớn khi vận động các hộ kinh doanh, người dân ủng hộ kinh phí, tháo dỡ công trình, biển báo trả lại sự phong quang cho đường phố.

Huyện Võ Nhai đã triển khai một số mô hình “Dân vận khéo” như: “Dòng họ tự quản và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự”, đã phát triển rộng khắp đến từng dòng tộc trên địa bàn; hay mô hình “Chuyển đổi số trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động nhân dân trên địa bàn sử dụng các nền tảng xã hội để tuyên truyền, phổ biến những kinh nghiêm hay, mô hình hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự; cảnh giác với các chiêu trò của tội phạm, tệ nạn xã hội…

Tại huyện Đại Từ, Ban Dân vận Huyện ủy đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Na Mao phát triển Câu lạc bộ hát Sấng Cọ thu hút nhiều người dân tham gia và tổ chức được nhiều buổi giao lưu với các cộng đồng dân cư trong, ngoài tỉnh.

Các huyện, thành khác của tỉnh cũng đều có mô hình “Dân vận khéo” hoạt động hiệu quả…

Có thể khẳng định, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, triển khai nghiêm túc, sâu rộng, thực sự đi vào đời sống xã hội và được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực. Thông qua công tác quán triệt, triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết; thực tiễn từ các mô hình, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong tỉnh cũng nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới.

(baothainguyen.vn) 


Gửi cho bạn bè