Năm
2022, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, phong trào thi đua
“Dân vận khéo” do Huyện ủy Chợ Mới (tỉnh An Giang) phát động đạt nhiều
kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương.
|
Huyện Chợ Mới thực hiện tốt xã hội hóa, vận động sức dân và doanh nghiệp chung tay
xây dựng cầu, đường nông thôn
|
Thông qua các mô hình “Dân vận khéo” đã vận động nhân dân đóng góp gần 102 tỷ đồng. Nhiều công trình phúc lợi xã hội được xây dựng; nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tiêu biểu là mô hình vận động nhân dân, doanh nghiệp (DN) đóng góp xã hội - từ thiện, tham gia phòng, chống dịch, hiến đất làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội... gần 73 tỷ đồng (vượt gần 23 tỷ đồng so chỉ tiêu). Vận động cất mới và sửa chữa 36 cầu nông thôn, với tổng số tiền gần 16 tỷ đồng. Nhân dân tích cực hiến đất, đóng góp tiền đổ bê-tông, nâng cấp, rãi đá lộ giao thông nông thôn, với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân hiến 5.240m2 đất, quy thành tiền hơn 3 tỷ đồng.
Nổi bật, huyện Chợ Mới đã vận động nhân dân đóng góp hơn 38 tỷ đồng mua xe chuyển bệnh phục vụ miễn phí cho bệnh nhân nghèo và gây quỹ chuyển bệnh miễn phí, phát quà cho hộ nghèo, cận nghèo, xây dựng nghĩa địa nhân dân, duy tu hệ thống đèn đường nông thôn, trồng đường hoa…
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Chợ Mới Huỳnh Văn Sáu chia sẻ: “Với phương châm giúp người nghèo “an cư lạc nghiệp”, bằng tấm lòng chia sẻ, các địa phương trong huyện Chợ Mới đã tích cực vận động cất mới nhà để giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn có chỗ ở ổn định. Đầu năm đến nay, đã vận động trên 28,3 tỷ đồng cất mới và sửa chữa 540 căn nhà. Trong đó, cất mới 509 căn, sửa chữa 31 căn (vượt chỉ tiêu 90 căn nhà, số tiền vận động gần 6 tỷ đồng). Các xã, thị trấn đều đạt chỉ tiêu cất từ 5 căn nhà trở lên, đạt tiêu chí 3 cứng, trị giá trên 50 triệu đồng/căn”.
Tài trợ 1,2 tỷ đồng xây dựng 2 cây cầu giao thông nông thôn nối liền xã Tấn Mỹ - Mỹ Hiệp, Mỹ Hiệp - Bình Phước Xuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Tấn Thắng (TP. Long xuyên) Trần Đông Xuân chia sẻ: “DN mong muốn chung tay cùng địa phương chăm lo cho người dân và xây dựng nông thôn mới”. Tài trợ hơn 1 tỷ đồng xây cầu nông thôn ở huyện Chợ Mới, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Vạn Hưng Tùng (TP. Long Xuyên) Dương Kế Truyền cho biết: “DN muốn chia sẻ cùng địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản an toàn”.
Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) xã Long Điền B Nguyễn Thanh Hoài chia sẻ: "Năm 2022, Ban Trị sự Giáo hội PGHH xã Long Điền B đã thực hiện xã hội - từ thiện số tiền hơn 2,8 tỷ đồng, với các hoạt động, như: Góp tiền, hiện vật, ngày công cất nhà Tình thương; tu sửa, cất mới cầu, đường; giúp đỡ bệnh nhân nghèo; phát động nắm gạo tình thương phân phối cho người nghèo, người già cô đơn...
Đồng thời, để góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân, Ban Trị sự PGHH xã và tín đồ đóng góp 1,2 tỷ đồng mua 1.800m2 đất xây dựng phòng khám từ thiện, sưu tầm thảo dược trên 2.000 tấn cung cấp thường xuyên cho các nhà thuốc, tổ đông y; cùng chính quyền địa phương xây dựng 15 căn nhà Đại đoàn kết...”.
Huyện Chợ Mới còn đi đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện, đã tiếp nhận 944 đơn vị máu. Đồng thời, triển khai hiệu quả “Ứng dụng công nghệ trong quản lý khu dân cư” (mô hình Zalo nhóm theo tổ tự quản), đến nay, toàn huyện đã triển khai 2.406/2.987 tổ tự quản quản lý dân cư trên Zalo.
Mô hình này giúp công tác tuyên truyền, nắm bắt thông tin của tổ tự quản được nhanh, gọn, lẹ để triển khai kịp thời đến người dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Tiếp tục thực hiện tổ tự quản đạt 10 tiêu chí tổ tự quản về "ăn, mặc, ở, lao động, học hành, đi lại, sức khỏe, giải trí, giao tiếp, nghỉ ngơi".
Thực hiện mô hình vận động nhân dân mua bảo hiểm y tế (BHYT), toàn huyện hiện có hơn 88,31% dân số tham gia BHYT; vận động Tổ tự quản BHYT kiểu mẫu đạt 55,57%; vận động hộ gia đình BHYT kiểu mẫu đạt 75,54%. Nhiều mô hình hỗ trợ mua BHYT hiệu quả, như: “Vận động mua BHYT trả góp không lãi”, “Vận động mua BHYT xoay vòng”, “hỗ trợ 50% mua BHYT cho những người có hoàn cảnh khó khăn”...
Nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương theo chuỗi giá trị, nhiều năm qua, huyện Chợ Mới duy trì hiệu quả hoạt động 18 “Hội quán” gắn với sản phẩm nông sản đặc thù tại địa phương, với 624 thành viên. Đến nay, đã có 7 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và 11 sản phẩm tiềm năng địa phương... Thành lập 24 vùng sản xuất-kinh doanh, với 18 sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm đặc thù của huyện.
Đồng chí Huỳnh Văn Sáu cho biết, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện còn xuất hiện nhiều mô hình thiết thực, như: Chuyến xe 0 đồng; quầy hàng thực phẩm 0 đồng; bếp ăn 0 đồng; tổ tự quản không có lăng quăng; tổ đồng tiền nhân ái; hội mái ấm tình thương; hũ gạo tình thương; đội dặm vá đường nông thôn; ấp không có tệ nạn ma túy và “tín dụng đen”; khu dân cư không tội phạm; xây dựng cổng rào an ninh trật tự; “tiếp dân niềm nở, hướng dẫn tận tình, ứng xử văn minh”… Qua đó, tác động tích cực đối với sự phát triển KTXH của huyện, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
(baoangiang.com.vn)