Thứ Sáu, 6/12/2024
Hà Nam: Thực hiện hiệu quả phong trào "Dân vận khéo" trong bảo đảm an ninh trật tự

Thị xã Duy Tiên được xác định là địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh. Cùng với sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp, đô thị và mạng lưới dịch vụ, thương mại cũng kéo theo nguy cơ tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về tội phạm, tệ nạn xã hội. Đáng chú ý là một số vấn đề tiềm ẩn từ những cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT dẫn đến tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy. Bên cạnh đó, thị xã Duy Tiên còn là địa bàn giáp ranh với nhiều địa phương như huyện Phú Xuyên (Hà Nội), Kim Động, TP Hưng Yên (Hưng Yên), do vậy, nhiều đối tượng ở các địa bàn khác lợi dụng trà trộn thực hiện hành vi phạm tội, đặc biệt là tội phạm buôn bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy.


Công an thị xã Duy Tiên ký kết quy chế phối hợp bảo đảm ANTT với Kho bạc Nhà nước thị xã


Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, năm 2019, Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Công an thị xã Duy Tiên triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm, tệ nạn ma túy”. Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện mô hình, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của ba đơn vị đã chủ động thực hiện tốt công tác nắm tình hình, tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, ý thức chấp hành pháp luật và động viên quần chúng nhân dân tự giác, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy.

Kết quả, từ năm 2019 đến nay, ba đơn vị đã phối hợp tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy; biên soạn 78 lượt tin, bài, phóng sự tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; phối hợp tổ chức 135 buổi tuyên truyền lưu động về phòng, chống tệ nạn ma túy tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà trọ của công nhân; tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy cho 150 lượt CBCS công an cơ sở và thành viên ban bảo vệ dân phố. Đồng thời, rà soát, đánh giá, lập danh sách quản lý, theo dõi 148 lượt người là đối tượng tha tù về địa phương do phạm tội ma túy. Cùng với đó, vận động 136 lượt người là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham gia cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ. Thông qua công tác tuyên truyền, quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an triệt xóa 4 chuyên án, 6 đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; triệt phá 11 điểm phức tạp về ma túy; điều tra, khám phá bắt 23 đối tượng về hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Thông qua mô hình "Dân vận khéo trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm, tệ nạn ma túy” đã góp phần kiềm chế làm giảm hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn thị xã (số người nghiện ma túy năm 2019 từ 122 giảm xuống còn 109 người năm 2022). Đặc biệt, không còn tụ điểm phức tạp về ma túy, không phát sinh tụ điểm mới phức tạp về ma túy.

Cụ thể hóa nội dung công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo", Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cũng đã triển khai mô hình “Phòng tiếp công dân kiểu mẫu” tại Công an huyện Lý Nhân từ tháng 3/2022. Để mô hình đạt hiệu quả tích cực, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Công an huyện Lý Nhân thường xuyên quán triệt CBCS nâng cao tinh thần trách nhiệm, văn hóa ứng xử “Vì nhân dân phục vụ”. Trong quá trình tiếp xúc, giải quyết công việc với công dân, CBCS luôn cởi mở, tận tình, chu đáo, giải thích tỉ mỉ để nhân dân hiểu, thực hiện đầy đủ, đúng quy định các thủ tục hành chính (TTHC) bảo đảm hiệu quả, chất lượng, tiết kiệm thời gian, công sức của nhân dân. Thông qua thực hiện mô hình, công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC, phục vụ nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Các TTHC đều được tiếp nhận đúng quy trình, thủ tục, CBCS tiếp công dân hướng dẫn tận tình, trả kết quả trước và đúng thời hạn. Kết quả, từ ngày thực hiện mô hình đến nay, CBCS đã tiếp nhận 10.891 hồ sơ làm căn cước công dân gắn chíp điện tử, mã định danh điện tử; tiếp nhận 5.558 hồ sơ định danh điện tử; tiếp nhận, giải quyết 6 giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT; tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả 106 TTHC phê duyệt theo phương án; tiếp nhận, đăng ký 183 xe ô tô, 1.252 xe mô tô, 1.126 xe máy điện; tiếp nhận, giải quyết 5.931 TTHC về đăng ký cư trú, 284 TTHC về đăng ký tạm trú. Với kết quả đạt được, mô hình đã được Giám đốc Công an tỉnh biểu dương và chỉ đạo triển khai nhân rộng đến 21 công an xã, thị trấn trên địa bàn.

Xác định tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo", những năm qua lực lượng Công an tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phát huy hiệu quả công tác dân vận trên các lĩnh vực. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng bảo vệ ANTT và tổ chức quần chúng ở cơ sở. Lực lượng công an các cấp cũng đã lựa chọn, xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ ANTQ ở cơ sở theo hướng coi trọng nội dung dân vận về nâng cao ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải trong cộng đồng dân cư.

Theo đó, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục duy trì những mô hình, phong trào có nội dung phù hợp và đang phát huy tác dụng thiết thực, điển hình như các mô hình: “Kết nối zalo vì bình yên cuộc sống”; “Tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội”; “Dân vận khéo trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”; “Tuyên truyền, vận động nhân dân lắp camera an ninh”; “Vì nhân dân phục vụ, tích cực tuyên truyền, phổ biến quyền lợi của công dân trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm căn cước công dân gắn chíp điện tử”; “Khu công nghiệp an toàn về ANTT”; “Du lịch an ninh, an toàn, văn hóa, văn minh”… Kết quả đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì có hiệu quả hoạt động 132 mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực bảo đảm ANTT (trong đó 93 mô hình đã đăng ký thực hiện trong năm 2021 và giai đoạn trước; 39 mô hình xây dựng mới và đã triển khai thực hiện trong năm 2022, 3 mô hình đang nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh).

Với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" của lực lượng công an trong tỉnh đã góp phần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn ANTT tại địa phương. Thời gian tới, lực lượng công an trong tỉnh tiếp tục tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” và các phong trào thi đua của ngành, của địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Đồng thời, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong lực lượng công an đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng duy trì, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến về công tác dân vận trong lĩnh vực ANTT ở cơ sở, đưa công tác dân vận ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, đạt hiệu quả thiết thực, bền vững.

(baohanam.com.vn) 

Gửi cho bạn bè